Triển lãm

Trưng bày 200 tài liệu sách, báo nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – liệt sĩ 27/7

Ngày 16/7, tại phòng phục vụ bạn đọc, Thư viện Hà Nội đã tổ chức trưng bày sách với chủ đề “Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 74 năm ngày thương binh – liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021).

200 tài liệu sách, báo được trưng bày tại Thư viện Hà Nội.

Trưng bày sách giới thiệu 200 tài liệu bao gồm sách, báo, tạp chí về đề tài thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng được chia làm 3 phần: Các văn bản pháp luật, chính sách đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và mẹ việt nam anh hung; Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của các cơ quan, ban ngành… trên địa bàn Thành phố Hà Nội; và Các mẩu chuyện về những tấm gương anh hùng liệt sỹ, thương binh, bà mẹ việt nam anh hùng. Trưng bày sách sẽ kéo dài đến hết ngày 30/7/2021.

Bên cạnh đó, Thư viện Hà Nội cũng đồng thời tổ chức Triển lãm sách online ‘Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021)” tại trang web https://thuvienhanoi.org.vn với 20 tư liệu được chia làm 3 phần: Phần I: Các văn bản pháp luật, chính sách đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và mẹ Việt Nam anh hùng; Phần II: Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ; và Phần III: Các mẩu chuyện về những tấm gương anh hùng liệt sỹ, thương binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Thông qua Triển lãm nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc; vinh danh sự cống hiến, hy sinh và đóng góp to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Một số hình ảnh trưng bày sách, báo, tạp chí.

Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) là một ngày lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tri ân công lao của những người thương binh, liệt sĩ trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ tổ quốc. Là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người đã có công với cách mạng.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn.

Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ.

Từ tháng 7/1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày thương binh liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ” của cả nước.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước thông qua việc đề ra và thực hiện đầy đủ chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực sự đã trở thành động lực vật chất, tinh thần giúp họ vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách, làm chủ cuộc sống. Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau.

Đông Hoàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *