Di sản – Bảo tồn

Trưng bày Mộc bản trường học Phúc Giang – Di sản tư liệu thế giới

Sáng 23/5, tại Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã khai mạc Trưng bày chuyên đề “Mộc bản trường học Phúc Giang – Di sản tư liệu thế giới”.

Lễ cắt băng Khai mạc Trưng bày chuyên đề “Mộc bản trường học Phúc Giang – Di sản tư liệu thế giới”

Mộc bản trường học Phúc Giang là tư liệu quan trọng của nền giáo dục Nho học góp phần to lớn trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Đây là tài liệu gốc minh chứng cho hoạt động giáo dục và văn hóa của một dòng họ khoa bảng, hiếu học nổi tiếng ở địa phương.

Bản thân mỗi bản khắc là một cổ vật quý hiếm, là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Mộc bản trường học Phúc Giang là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam, hiện đang được bảo quản tại tư gia dòng họ Nguyễn Huy – huyện Can Lộc và Bảo tàng Hà Tĩnh.

Mộc bản trường học Phúc Giang hiện còn 383 bản, được làm từ gỗ cây thị đực lâu năm, kích thước dài 25-30cm, rộng 15-18 cm và dày từ 1-2 cm. Mộc bản đưuọc khắc tinh xảo, chữ khắc đẹp, với nhiều dạng chữ như: lệ thư, thảo thư, giản tự, cổ tự,… Phần lớn mộc bản khắc 2 mặt là nội dung sách, số ít khắc một mặt là tên sách, tờ đầu, tờ cuối và lời tựa sách.

Mộc bản trường học Phúc Giang là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam

Nội dung mộc bản gồm các quyển sách kinh điển của Nho giáo như “Tính lý đại toàn”, “Ngũ kinh đại toàn” được “toản yếu” và quyển sách “Thư viện quy lệ” (Quy chế của trường Phúc Giang). Ngoài nội dung sách, trên mộc bản còn khắc thời gian, tên người biên soạn, người khảo quyệt, người viết chữ, người tổ chức khắc của mỗi tập sách, ấn triện, gia huy và những đặc điểm riêng của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu.

Mộc bản trường học Phúc Giang lưu giữ bút tích, ấn triện, gia huy và những dấu tích khẳng định bản quyền gắn với 05 danh nhân văn hóa: Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) và Nguyễn Huy Tự (1743-1790). Đây là các nhà giáo, nhà thơ, nhà văn trong một gia đình 3 thế hệ: ông – cha – con họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu.

Một số hình ảnh về các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Mộc bản trường học Phúc Giang

Với những giá trị đạc biệt và tầm ảnh hưởng quốc tế và khu vực, ngày 19/5/2016, Mộc bản trường học Phúc Giang đã được Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tại trưng bày chuyên đề “Mộc bản trường học Phúc Giang – Di sản tư liệu thế giới” tại Hà Nội lần này, Bảo tàng Hà Tĩnh và dòng họ Nguyễn Duy lựa chọn một số hình ảnh và hiện vật tiêu biểu về Mộc bản và các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản để trưng bày tại đây với hi vọng cung cấp cho du khách Thủ đô những thông tin cơ bản nhất về những giá trị cốt lõi của di sản này.

Tô Nga

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *