Chưa được phân loại

Tưng bừng Liên hoan nghệ thuật múa Rồng – Hà Nội 2020

Trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian, Rồng đứng đầu trong tứ linh “Long, Ly, Quy, Phụng” gắn liền với cội nguồn của dân tộc Việt qua truyền thuyết “Con Rồng – Cháu Tiên”; Rồng còn biểu tượng cho sự thịnh vượng, sức mạnh, quyền uy và trí tuệ. Thăng Long tức “Rồng bay lên” – nơi hội tụ linh khí của trời đất được vua Lý Công Uẩn chọn đóng đô cho các bậc đế vương muôn đời. Trải qua thăng trầm lịch sử, “Thăng Long – Hà Nội đất Rồng bay” vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Thủ đô cũng như nhân dân Việt Nam.

Đội Rồng quận Ba Đình.

Với ý nghĩa trân quý đó, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VHTT) giao Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Liên hoan nghệ thuật múa Rồng – Hà Nội năm 2020. Đây là lần thứ 6 thành phố Hà Nội tổ chức Liên hoan nghệ thuật múa Rồng. Liên hoan năm nay có sự tham gia của 13 đội Rồng truyền thống đến từ các quận, huyện: Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Đông Anh, Thường Tín, Thanh Trì, Đan Phượng, Thanh Oai. Ngay từ sáng sớm 3/10, các đội múa Rồng đã tập kết đông đủ tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, tạo không khí rộn ràng, sôi động cho Liên hoan. Mỗi đơn vị tham gia trình diễn một tiết mục, thời lượng từ 5 – 7 phút, trong đó có sử dụng một hoặc nhiều mô hình Rồng kết hợp múa Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng) trên nền nhạc, lời bình suốt quá trình biểu diễn để truyền tải chủ đề, thông điệp cụ thể.

Đội Rồng huyện Thanh Oai.

Với quy định các tiết mục múa Rồng không hạn chế kỹ thuật biểu diễn nên nhiều đoàn sử dụng các kỹ xảo phức tạp, hấp dẫn và điêu luyện như xếp hình, phun mưa, nhào lộn, rung vẩy rồng…; hình thức trang trí phù hợp với thuần phong mỹ tục; số lượng người biểu diễn của mỗi đội không hạn chế, nhiều đội múa Rồng đã chuẩn bị cho mình những tiết mục đặc sắc, dàn dựng công phu, mang đến cho công chúng những màn múa Rồng hấp dẫn. Đến với Liên hoan nghệ thuật múa rồng Hà Nội năm 2020, đội nghệ thuật Lân – Sư- Rồng quận Ba Đình thể hiện màn múa “Thăng Long hội tụ”. Tiếng trống ầm ầm nổi lên như linh khí đất trời vang vọng. Màn múa với những động tác: Rồng cuốn, Rồng ấp, Rồng cuộn, Rồng chầu đường nét mềm mại, duyên dáng thể hiện việc luôn mở lòng yêu thương, gắn bó với tất cả bạn bè bốn phương. Rồng lăn, Rồng lộn, Rồng xoắn thể hiện sức mạnh mãnh liệt cho ý chí vươn lên trong công cuộc đổi mới. Đội Hoàn Kiếm với màn múa “Tự hào truyền thống anh hùng”. Từng động tác trong màn múa Rồng là cảm xúc của niềm tự hào dân tộc, mong muốn Thủ đô Hà Nội luôn vững bước, bay cao trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế. Màn múa được thể hiện mang tính nghệ thuật cao, có tính tập thể rất thống nhất, nhịp nhàng, mềm dẻo. Đội múa Lân – Sư – Rồng huyện Đan Phượng biểu diễn “Long phụng quần hùng” tái hiện chân thực nét đẹp của quê hương Đan Phượng xa xưa, mang ước vọng cầu mong sự thịnh vượng, phát đạt, hanh thông và hạnh phúc. Thông qua những tiếng trống, tiếng chiêng, màn múa lượn ảo diệu đã đưa người xem đến với quê hương Đan Phượng anh hùng, thân thiện, hiếu khách. Tiếp đến là màn múa “Rồng thiêng hội tụ” của đội rồng huyện Phúc Thọ, “Nam Từ Liêm – Hành trình từ quá khứ tới tương lai” của đội Nam Từ Liêm, “Thăng Long Hà Nội – ngàn năm văn hiến” của đội Thanh Trì, “Song long” của đội Thanh Oai, “Chiếu dời đô” của đội Cầu Giấy, “Huyền thoại tình yêu” của đội Thường Tín, “Hội nhập và phát triển” của đội Tây Hồ”, “Thăng Long cổ kính – hội tụ rồng thiêng” của đội Đông Anh,  “Rồng cầu mưa” của đội Hoàng Mai, “Đất rồng Long Biên” của đội Long Biên đã tái hiện các sự kiện lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc; ca ngợi đất nước, con người Việt Nam, Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình suốt bề dày 1010 năm lịch sử, trên con đường hội nhập và phát triển.

  

Đội Rồng quận Cầu Giấy.

Qua các tiết mục biểu diễn có thể thấy, Liên hoan múa Rồng năm nay có quy mô lớn, nhiều rồng đẹp hơn. Nhiều đơn vị tham gia múa Rồng đã xây dựng chương trình, kịch bản rất công phu, từ việc thiết kế Rồng, Lân, Sư đến thực hiện ý tưởng trình diễn; các màn diễn có nội dung và thông điệp rõ ràng. Điều đó mang đến sức hấp dẫn đặc biệt đối với người xem. Ngoài những màn biểu diễn chính của các đội múa Rồng còn có các điệu múa Long, Lân, Quy, Phượng, tạo nên sự phong phú cho nội dung chương trình. Sau màn biểu diễn, các đội múa Rồng đã diễu hành trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm chào mừng người dân và du khách. Các đội Rồng đã đem đến cho không gian hồ Hoàn Kiếm không khí tưng bừng của ngày hội lớn. Tại Liên hoan nghệ thuật múa Rồng năm nay, Ban tổ chức đã trao giải Xuất sắc cho đội Rồng quận Nam Từ Liêm, giải A cho đội Rồng huyện Thanh Trì; trao 4 giải B, 7 giải C cho các đội; trao giải Thiết kế Rồng đẹp cho quận Cầu Giấy, giải Ý tưởng chủ đề tốt cho quận Tây Hồ và giải Đầu tư xây dựng nhiều hình tượng linh vật cho huyện Đan Phượng.

Liên hoan nghệ thuật múa Rồng – Hà Nội năm 2020 là dịp giúp nghệ nhân, diễn viên các đội múa Rồng đến từ các quận, huyện trên toàn thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm biểu diễn. Liên hoan cũng góp phần quảng bá, giới thiệu tới đông đảo công chúng cũng như bạn bè quốc tế về múa Rồng – một loại hình nghệ thuật mang đậm màu sắc dân gian, trở thành nét đẹp văn hóa của Thủ đô.

Mai Chi

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *