Lễ hội

Ứng xử văn minh mùa lễ hội

Cùng với việc thay đổi trong cách thức tổ chức để lễ hội diễn ra an toàn, trang nghiêm, đúng quy định thì rất cần cách hành xử văn minh của những du khách, những người tham dự lễ hội. Cách ứng xử văn minh, lịch sự ở lễ hội của du khách chính là góp phần làm đẹp thêm cho lễ hội.

Mỗi năm, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng 1.200 lễ hội với các chủ đề, quy mô và hình thức khác nhau. Trong đó có các lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, gò Đống Đa, hội Gióng, hội đền Cổ Loa, hội đền Hai Bà Trưng, hội chùa Hương, hội chùa Thầy, hội chùa Tây Phương, hội đền Và… Các lễ hội chủ yếu tập trung vào dịp mùa xuân.
Dù có quy mô, bản sắc riêng nhưng về cơ bản, lễ hội là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của con người, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa tinh thần của con người. Văn minh lễ hội đến từ hai phía: Ban tổ chức, quản lý lễ hội và du khách đến với lễ hội.

Lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì ) duy trì nhiều nét văn hóa đẹp.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, UBND TP Hà Nội đều ban hành Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại 30 quận, huyện, thị . Sở VHTT Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 469/KH-SVH&TT về việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2019. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại các lễ hội; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.


Nên chọn trang phục phù hợp khi tham quan di tích, dự lễ hội.

Với quyết tâm trả lại cho lễ hội những giá trị đích thực của nó, các nhà quản lý, tổ chức lễ hội đang cố gắng tổ chức các hoạt động trong lễ hội theo đúng thuần phong mỹ tục, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng văn hóa của nhân dân, không có tình trạng mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Rút kinh nghiệm từ các mùa lễ hội trước, năm nay, tại nhiều lễ hội đã có thay đổi tích cực: Năm nay, sau khi thực hiện lễ rước hoa tre và trầu cau, Ban tổ chức lễ hội đền Sóc sẽ đưa trực tiếp lễ vật vào hậu cung và không tổ chức phát lộc ngay sau khi kết thúc tế lễ. Việc phát lộc sẽ được tổ chức vào thời điểm thích hợp.
Hướng tới lễ hội kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2019), lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa, sẽ diễn ra vào ngày 9-2-2019 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán), việc phân luồng giao thông, điểm trông giữ xe, quy hoạch hàng quán, dịch vụ, giám sát an ninh, trật tự… cũng đã được UBND quận Đống Đa lên phương án cụ thể, bảo đảm một mùa lễ hội văn minh, giàu ý nghĩa …
Đứng ở góc độ du khách, văn minh lễ hội được thể hiện qua cách hành xử văn minh, lịch sự, ý thức cộng đồng trong giữ gìn vệ sinh chung, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực lễ hội, chấp hành nghiêm các quy định của Ban tổ chức lễ hội. Đó là việc thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố.
Đầu tiên là lựa chọn trang phục phù hợp, thuận tiện cho việc thực hành các tín ngưỡng. Không mặc váy, quần áo khoe da thịt phản cảm. Thực tế cho thấy, tại các di tích diễn ra lễ hội đều có quy định về trang phục, trong đó nêu rõ yêu cầu về trang phục phải lịch sự, không mặc váy ngắn, quần sooc, áo hai dây… nhưng nhiều du khách khi tham dự lễ hội vẫn thiếu ý thức trong việc lựa chọn trang phục dẫn đến tình trạng ăn mặc gây phản cảm, bức xúc cho người xung quanh, ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm tại các điểm lễ hội.
Tiếp đó là ý thức, tinh thần tự giác chấp hành nghiêm các quy định tại các lễ hội. Dù đi lẻ hay đi theo đoàn thì cũng nên xếp hàng mua vé, tham dự lễ hội theo trật tự . Không được chen lấn, xô đẩy. Không nói tục, chửi bậy, không nói quá to gây mất trật tự. Chỉ đi theo lộ trình đã được ban tổ chức sắp xếp. Không tự ý đi theo đường khác để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Tại các điểm tổ chức lễ hội, nếu đốt vàng mã thì nên đốt đúng nơi quy định. Chỉ thắp hương ở những nơi được phép. Không nên đốt quá nhiều vàng mã, thắp nhiều hương gây ngột ngạt không gian lễ hội, ảnh hưởng đến hệ thống tượng được bố trí trong di tích. Không mời chào, xem tướng số, bói toán tại lễ hội. Nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung. Không vứt rác bừa bãi. Đặc biệt là rác sau khi tổ chức ăn uống. Không hái hoa, bẻ cành…làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh- sạch- đẹp của di tích. Không thả tiền xuống hồ nước, giếng nước…
Lễ hội được sinh ra từ nhu cầu văn hóa tâm linh của con người, phục vụ nhu cầu tâm linh của con người. Thông qua việc tham dự lễ hội, con người muốn gửi gắm những khát khao, cầu mong sự yên bình trong tâm hồn, sự may mắn, phát đạt trong cuộc sống. Việc duy trì những nét đẹp văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa là những việc nên làm. Cùng với việc thay đổi trong cách thức tổ chức để lễ hội diễn ra an toàn, trang nghiêm, đúng quy định thì rất cần cách hành xử văn minh của những du khách, những người tham dự lễ hội. Cách ứng xử văn minh, lịch sự ở lễ hội của du khách chính là góp phần làm đẹp thêm cho lễ hội.

Nguyễn Tâm

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *