Tin ngành

Vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế quốc dân

Công nghiệp văn hóa là quá trình sản xuất, tái sản xuất, truyền bá các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thông qua cơ chế thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân. Ra đời vào những năm 30 thế kỷ XX, công nghiệp văn hóa đã nhanh chóng khẳng định được ưu thế vượt trội trong sản xuất, kinh doanh, thu hút, chinh phục được nhiều thị trường khó tính.

Bằng các sản phẩm chứa đựng những giá trị nhân văn, các ngành công nghiệp văn hóa góp phần không nhỏ làm phong phú tâm hồn, trí tuệ, phát huy khả năng sáng tạo của con người, đồng thời quảng bá được hình ảnh, vị thế, sức mạnh của quốc gia, dân tộc, mang lại những khoản doanh thu khổng lồ, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập quốc dân.

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia với những bước đi cụ thể về tầm nhìn, quyết sách đầu tư, nghệ thuật tuyên truyền, quảng bá, cách thức chinh phục thị trường. Nhật Bản là một quốc gia điển hình trong phát triển công nghiệp văn hóa, năm 2001, Chính phủ Nhật đã cụ thể hóa chính sách phát triển công nghiệp văn hóa trong chương 3, điều 8 đến 12, Luật cơ bản thúc đẩy phát triển nghệ thuật và văn hóa. Hàng năm, ngân sách dành cho Cục Văn hóa luôn tăng, năm 2000, 80 tỷ yên; năm 2001, 90 tỷ yên; năm 2002, 98 tỷ 500 triệu yên; năm 2003, 100 tỷ yên; năm 2004, 101 tỷ 600 triệu yên, từ năm 2010 đến nay, mức đầu tư luôn dao động trong khoảng 104 tỷ yên. Hiện nay, Nhật dành nhiều chính sách ưu tiên cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa Nhật ra nước ngoài. Với những chính sách đầu tư có trọng điểm, ngành công nghiệp văn hóa của Nhật đã đóng góp thị phần lớn trong tổng thu nhập quốc dân với doanh thu hàng năm chiếm khoảng 7%, thu hút 5% nhân công lao động của toàn quốc. Theo thống kê của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, năm 2013, nếu chỉ tính riêng thị trường nội địa của ngành công nghiệp nội dung số, lĩnh vực cốt lõi của công nghiệp văn hóa, đã đạt khoảng 12 nghìn tỷ yên. Xuất khẩu năm 2013 của ngành này đạt 550 tỷ USD, với mục tiêu mở rộng thị trường tại khu vực châu Á.

Nhật dành nhiều chính sách ưu tiên cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa Nhật ra nước ngoài. Ảnh minh hoạ: Internet.

Hàn Quốc cũng là quốc gia có những chính sách ưu tiên đầu tư cho công nghiệp sáng tạo văn hóa trên nhiều lĩnh vực, nhất là các loại hình giải trí: điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho đất nước. Theo số liệu của Viện Chính sách Văn hoá Du lịch Hàn Quốc, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của công nghiệp văn hóa khoảng 10% (năm 2005), nếu tính riêng bốn lĩnh vực chủ đạo (phim, âm nhạc, phát thanh truyền hình, games) thì dự báo tăng trưởng trung bình hàng năm tới 22,8%, vượt mức tăng trưởng trung bình của toàn bộ nền kinh tế 6%. Theo ước tính của Bộ Văn hoá Du lịch Hàn Quốc, quy mô xuất khẩu công nghiệp văn hóa năm 2001 đạt 328 triệu USD, chiếm 0,2 % tổng kim ngạch xuất khẩu. Công nghiệp phim hoạt hình đạt tới 270 triệu USD, chiếm 0,4 % thị trường thế giới. Năm 2005, ở Hàn Quốc có 200 công ty hoạt động trong ngành sản xuất phim hoạt hình, thu hút 15.000 nhân công. Phim đặc tả nhân vật, games, công nghiệp âm nhạc đạt tới mức doanh thu lần lượt là 3,8 tỷ USD, 3,2 tỷ USD và 340 triệu USD.

Nhóm nhạc BTS (Hàn Quốc) không chỉ có danh tiếng trên toàn cầu, BTS còn mang về cho nền kinh tế Hàn Quốc hàng tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó phải kể tới những thành tựu vượt trội của ngành công nghiệp văn hóa các nước Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Thái Lan, Singapore với chiến lược quảng bá, xuất khẩu những sản phẩm văn hóa mang đậm sắc thái độc đáo của các dân tộc, kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống, hiện đại, mở ra cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa nhằm thu hút thị hiếu của công chúng trên khắp thế giới.
Ở Việt Nam, do những điều kiện đặc thù về lịch sử xã hội, hạn chế trong tư duy phát triển kinh tế, văn hóa, nên gần đây ngành công nghiệp văn hóa mới manh nha xuất hiện, hình thành và dần đi đến hoàn thiện, trở thành ngành kinh tế mới, tạo sức hấp dẫn, sự quan tâm, chú ý của dư luận.
Nhận thức về giá trị kinh tế của văn hóa cũng như gắn kết hài hòa giữa phát triển văn hóa, tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đưa ra chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế. Đến Hội nghị Trung ương 10 khóa IX, nhận thức về vấn đề gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa được mở rộng hơn một bước…

Ngành công nghiệp văn hóa tại nước ta mới đang manh nha xuất hiện, hình thành và dần đi đến hoàn thiện. Ảnh minh hoạ.

Yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa một lần nữa được Hội nghị Trung ương 9 khóa XI nhấn mạnh trong Nghị quyết về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó đề xuất nhiệm vụ cần phải “đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa”. Ngày 8/9/2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những quyết sách, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Chiến lược khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân… Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa”, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, đến năm 2030 doanh thu đóng góp của công nghiệp văn hóa khoảng 7% GDP.
Đây là những tín hiệu tích cực về mặt thể chế, tạo hành lang, chính sách để đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, xứng tầm với vị thế, nguồn lực văn hóa đa dạng, phong phú của đất nước.

Bình Dương (T/h)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *