Thế thao thành tích cao

VĐV Hà Nội Vương Thị Huyền: Viết tiếp ước mơ có huy chương tại Olympic

Ngày 12/6, Liên đoàn Cử tạ quốc tế đã xác nhận, VĐV Hà Nội Vương Thị Huyền đủ điều kiện tham dự Olympic 2020 với suất chính thức. Với tấm vé chính thức đến Tokyo, đây là lần thứ hai Vương Thị Huyền được góp mặt ở một kỳ Thế vận hội.

Để có được những chiến thắng và hai lần góp mặt ở đấu trường Olympic, đó là cả một ý chí phi thường, vượt gian khổ cùng khát khao và tinh thần chiến đấu không mệt mỏi của lực sĩ Hà Nội Vương Thị Huyền.

Vượt qua những nỗi đau
Sinh năm 1992, cô gái người Bắc Giang Vương Thị Huyền đến với cử tạ Hà Nội lúc đã 16 tuổi, độ tuổi quá muộn cho sự khởi đầu của một đô cử. Biết được điểm xuất phát của mình hạn chế, Vương Thị Huyền đã lao vào tập luyện chăm chỉ để bù lại những yếu điểm đó. Trong tập luyện, không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc bài tập các HLV giao mỗi ngày, cô còn ‘xung phong’ nhận thêm khối lượng và miệt mài nâng hạ những trái tạ sau mỗi buổi. Nhờ thế, chỉ mất hai năm, Huyền đạt tới trình độ, thành tích của một đô cử từng tập 5-6 năm.

Vương Thị Huyền bật khóc sau khi giành HCV ở SEA Games 30.

Kể từ năm 2012, Huyền trở thành đô cử số 1 hạng 48kg tại các giải trẻ quốc gia với thông số chuyên môn cao nhất nhì Việt Nam. Năm 2013, Huyền được đặc cách lên tập huấn tuyển Việt Nam. Đúng thời gian ngất ngây sung sướng được làm tuyển thủ quốc gia, cô gái ‘tuổi khỉ’ phải gánh chịu nỗi đau lớn nhất cuộc đời khi người mẹ ở quê bất ngờ ra đi vĩnh viễn.
“Năm 2013, tôi vừa lên tuyển được mấy ngày thì ở nhà mẹ qua đời. Lúc lâm chung, mẹ dặn mọi người không báo cho tôi nên tôi chẳng được gặp mẹ lần cuối. Nhiều lần vừa nâng tạ tôi vừa khóc vì thương và chưa báo hiếu được mẹ. Càng thương mẹ bao nhiêu tôi càng quyết tâm tập luyện bấy nhiêu bởi tôi muốn mẹ nơi chín suối mỉm cười khi thấy con gái mình đã trưởng thành”, Huyền từng chia sẻ.
Tưởng đây đã là nỗi đau lớn nhất của lực sĩ Vương Thị Huyền, thế nhưng năm 2019, trước thềm SEA Games 30, cô lại tiếp tục gánh thêm nỗi đau mất cha. Tháng 11/2019, khi đội tuyển cử tạ đang tập huấn ở Trung Quốc thì Huyền nhận được tin bố qua đời. Cô xin phép các thày về chịu tang và chỉ 3 ngày sau đã trở lại Trung Quốc tiếp tục quá trình tập huấn cùng với băng đen bên ngực áo. Nuốt nước mắt vào trong, dồn nén nỗi đau để thi đấu ở SEA Games 30, Vương Thị Huyền đã xuất sắc giành HCV cử tạ nội dung 45kg nữ. Thành tích của VĐV Hà Nội đạt tổng cử 172kg (cử giật 77kg, cử đẩy 95 kg). Thông số này tốt hơn so với thành tích từng đưa cô lên đỉnh châu Á hồi tháng 4/2019 (168kg).
Bật khóc sau khi giành HCV, Vương Thị Huyền nghẹn ngào trước truyền thông: “Đây là thành tích tuyệt vời đối với sự nghiệp thể thao của em. Em muốn gửi tặng tấm huy chương này tới người hâm mộ, ban huấn luyện và đặc biệt là bố em, người vừa mới qua đời. Tuy bố không còn nữa nhưng bố đã tiếp thêm sức mạnh, động lực giúp em vượt qua các đối thủ”.
Đối với Huyền, điều nuối tiếc nhất là để tuột mất huy chương Olympic 2016 do mắc lỗi kỹ thuật. Nhưng với chiếc HCV SEA Games 30 đã trở thành minh chứng cho thành quả của sự quyết tâm, vượt qua những nỗi đau. Và với thành tích tổng cử 172kg của Huyền còn đáng trân trọng hơn khi nó ngang bằng thành tích HCĐ Olympic hạng cân 45kg. Điều này đã cho tiếp thêm cho Huyền động lực thực hiện mục tiêu lần thứ hai tham dự Olympic.

Hoàn thành mục tiêu dự Olympic 2020
Đến với cử tạ từ năm 2008, nhưng phải mãi tới Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Vương Thị Huyền mới được đeo lên cổ một tấm huy chương. Và cũng từ đây, Huyền mới bắt đầu được giới chuyên môn chú ý khi tạo nên kỷ lục sáng giá với tổng cử 181kg.

Vương Thị Huyền (ngoài cùng – trái) với tấm HCĐ tại giải vô địch thế giới 2015.

Đúng như giới chuyên môn nhận định, chỉ trong đúng 3 tháng cuối năm 2015, từ một đô cử vô danh ngay tại Việt Nam, Huyền đã bước lên đỉnh cao của làng cử tạ châu lục và quốc tế. Tháng 9/2015, Huyền gây bất ngờ khi đoạt 2 HCV Giải vô địch châu Á (cử giật và tổng cử) với tổng thành tích 190kg. Tại Giải vô địch thế giới tháng 11/2015, nữ đô cử Việt Nam gây kinh ngạc ở hạng cân 48kg khi giành 2 HCB và 1 HCĐ với thành tích 85kg cử giật (HCB) và 109kg cử đẩy (HCĐ). Ngoài ra Huyền có thêm tấm HCB nữa với tổng cử 194kg. Với thành tích giành HCV châu Á và HCB VĐTG trên, Vương Thị Huyền đã được chọn là đô cử tham dự Olympic 2016 hạng 48kg nữ.
Tham dự Olympic 2016, Vương Thị Huyền là một trong 5 niềm hi vọng giành huy chương của Thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, VĐV Hà Nội đã sớm phải rời Rio 2016 do không thể hiện được phong độ thuyết phục khi thất bại trong cả 3 lần cử giật. Chia tay Rio, Vương Thị Huyền đành tạm biệt giấc mơ có huy chương tại Olympic 2016 và tiếp tục mục tiêu trở lại đấu trường này một lần nữa.

Vương Thị Huyền đoạt 2 tấm HCV hạng 48kg tại giải vô địch châu Á năm 2015.

Theo kết quả tại các giải đấu vòng loại Olympic 2020 của các đô cử Việt Nam (giải vô địch thế giới 2018, Cúp thế giới 2019, giải vô địch châu Á 2019), Vương Thị Huyền đang chứng tỏ có thể giành vé tham dự Olympic. Cô hoàn toàn có khả năng vào nhóm 8 đô cử hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Liên đoàn cử tạ thế giới, sẽ công bố vào năm sau. Hoặc chí ít, cô có thể giành 1 suất của châu Á cho những đô cử không trong nhóm 8 đô cử hàng đầu thế giới. Một thuận lợi của cô là sự vắng mặt của các đô cử Thái Lan tại vòng loại Olympic 2020 (do bị cấm vì doping). Điều này càng củng cố cơ hội tham dự Olympic 2020 của Huyền – vốn luôn trong nhóm 8 đô cử hàng đầu thế giới ở các hạng cân nhẹ mà cô tham dự.
Tại giải vô địch cử tạ châu Á năm 2019, đồng thời là giải đấu tích điểm tham dự Olympic 2020 diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 18 đến 28/4, đô cử Hà Nội Vương Thị Huyền đã xuất sắc giành 3 HCV tại hạng 45kg nữ. Trước đó, tại Cúp Cử tạ Thế giới hồi tháng 2/2019, Vương Thị Huyền đoạt hai huy chươnh vàng, với 98kg cử đẩy và 170 kg tổng cử. Còn ở nội dung cử giật, cô đạt 72kg và giành HC bạc do cùng thành tích nhưng thua chỉ số phụ so với VĐV đoạt HCV.

Thư xác nhận của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) công nhận cử tạ Việt Nam được 3 suất tham dự Olympic Tokyo.

Với nỗ lực tập luyện không ngừng và cả những cố gắng hết mình trong thi đấu các giải tích điểm từ sau Olympic 2016 đến nay, lực sĩ của Hà Nội Vương Thị Huyền đã thực hiện được mục tiêu giành vé dự Olympic Tokyo 2020.

Giấc mơ giành huy chương tại Olympic
Giành được chiếc vé chính thức tham Olympic Tokyo 2020, đây là lần thứ hai Vương Thị Huyền được góp mặt ở một kỳ Thế vận hội. Đón nhận thông tin này, lực sĩ Hà Nội Vương Thị Huyền tỏ ra rất vui mừng, khi nỗ lực trong tập luyện và thi đấu kể từ sau Olympic 2016 của cô đã được đền đáp xứng đáng. “Thành tích này đến có phần bất ngờ và may mắn vì trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến nhiều giải đấu bị hoãn, hủy và ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích trong tập luyện và thi đấu. Tôi sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được thành tích tốt trong lần thứ hai được góp mặt ở một kỳ Thế vận hội”, lực sĩ Vương Thị Huyền chia sẻ.

Vương Thị Huyền với ước mơ giành huy chương tại Olympic.

Đúng, để hoàn thành giấc mơ giành huy chương tại Olympic, bản thân Vương Thị Huyền còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Bởi, sau khi trở về từ giải vô địch châu Á 2021 diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, đội tuyển cử tạ Việt Nam có 5 thành viên; gồm HLV Hoàng Hữu Chí, Lưu Văn Thắng và ba VĐV Hoàng Thị Duyên, Vương Thị Huyền, Thạch Kim Tuấn đã phải trải qua 21 ngày cách ly tập Trung tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương). Cùng có mặt với đội tuyển còn có trên 400 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc trở về và tất cả phải chấp hành quy định cách ly tập trung 21 ngày để phòng ngừa dịch Covid-19.

Các thành viên đội tuyển cử tạ Việt Nam đang phải cách ly tập trung sau khi trở về từ giải vô địch châu Á 2021.

Đang trong giai đoạn tập trung tập luyện để chuẩn bị thi đấu quốc tế, thì với việc cách ly tập trung, ngoài chế độ dinh dưỡng, Vương Thị Huyền cùng đồng đội hoàn toàn không thể tập luyện để duy trì thể lực cũng như phong độ do quy định hạn chế đi lại tại điểm cách ly.
Ngày 12/5, tức sau 20 ngày chuẩn bị hết cách ly thì trong khu tập trung có người bị nhiễm Covid-19, do đó các thành viên đội tuyển cử tạ Việt Nam trong đó có Vương Thị Huyền lại phải ở lại thêm 14-21 ngày.
Như chúng ta đã biết, thể thao là vấn đề liên tục, hệ thống, do đó bị ngắt quãng đã ảnh hưởng rất nhiều đến chuyên môn của VĐV. Để khắc phục sự cố này, ở đợt cách ly sau, Liên đoàn Cử tạ Việt Nam đã đề nghị chuyển tạ vào khu cách ly song cũng chỉ khắc phục được ít nhiều vì không thể mang đầy đủ tạ vào. Về phần chế độ dinh dưỡng cũng được cải thiện phần nào bằng cách mua thức ăn ở ngoài gửi vào.
Vì thế, sau khi cách ly trở về, Vương Thị Huyền cùng các đồng đội phải lao vào tích cực tập luyện để lấy lại phong độ sẵn sàng cho ngày lên đường đến Tokyo thực hiện ước mơ có huy chương ở Thế vận hội Olympic.

HOÀNG VINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *