Nếp Sống văn hoá

Sở VH&TT Hà Nội xin ý kiến đóng góp vào dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày 15/9/2017, Sở Văn hóa & Thể thao (VH&TT) Hà Nội đã có công văn số 3434 gửi các Sở, Ban, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị,… xin ý kiến đóng góp vào Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

Để định hướng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố chuẩn mực văn hóa phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ công tác với tổ chức và cá nhân; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường kỷ luật phát ngôn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô văn minh, thanh lịch, Sở VH&TT được UBND Thành phố giao nhiệm vụ xây dựng Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Sau khi đã xây dựng Dự thảo Quy định, ngày 15/9/2017, Sở đã có công văn số 3434 gửi các Sở, Ban, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị,… xin ý kiến đóng góp vào dự thảo Quy định này trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt.

Hà Nội đang hoàn thiện Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức – ảnh: Viết Thành

Theo dự thảo quy định, việc phát ngôn được thực hiện trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính (trong trường hợp cần thiết, cấp thiết hoặc do lãnh đạo phân công).

Những cán bộ, công chức khi phát ngôn phải có thái độ thân thiện, chân thành, tôn trọng, cởi mở, giúp đỡ nhiệt tình, cư xử lịch thiệp, thông cảm, chia sẻ. Có tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, phù hợp với quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức;  tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn, không ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết.

Ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn cần đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, đảm bảo tính chính xác, đúng đắn, phù hợp với hoạt động công vụ;  hạn chế nói ngọng, nói lắp,  tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ.

Dự thảo Quy định cũng nêu rõ khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc thì cán bộ, công chức phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ; Tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Nếu người cùng giao tiếp có hành vi rõ ràng là thái quá, trái pháp luật, cán bộ, công chức cần biết cách kết thúc cuộc giao tiếp và đề nghị người có thẩm quyền và cơ quan chức năng can thiệp, xử lý.

Cán bộ, công chức vi phạm chuẩn mực văn hóa phát ngôn tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định.

Sở VH&TT Hà Nội là cơ quan thường trực triển khai, tổ chức thực hiện Quy định này. Thủ trưởng các cơ quan của Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến và quán triệt Quy định tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thành phố. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức công đoàn các cấp của Thành phố có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giám sát đoàn viên, hội viên thực hiện tốt quy định. Các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến Quy định để nhân dân giám sát việc thực hiện.

Đối tượng áp dụng của Quy định gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội.

P.V

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *