Nhiếp ảnh

“Việt Nam những năm 80”: Khoảnh khắc bình dị qua ống kính nhà báo Pháp

Hơn 50 bức ảnh chụp nhiều địa danh, với Hà Nội chiếm đa số, tuy chưa thể là bức tranh toàn diện về tất cả mọi mặt của Việt Nam những năm 80 nhưng cảm giác rưng rưng là có thật, khi ảnh làm ùa về những ngày xưa ấy, với những gì đã chỉ còn là hoài niệm

Một cửa hiệu tại Đà Lạt

Qua những bức ảnh chụp phim màu của nhà báo người Pháp Michel Blanchard, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam hiện lên rất đỗi bình dị, thân thương.
Triển lãm mang tên “Việt Nam những năm 80” là câu chuyện được kể bằng những bức ảnh về Việt Nam trong thời kì thống nhất đất nước, thực hiện chính sách đổi mới. Hơn 50 tác phẩm được trưng bày tại đây được thực hiện dưới bởi một nhà báo của AFP – một trong số những hãng thông tấn nước ngoài được cấp phép tại Việt Nam trong những năm 80 với cái nhìn đầy nhân văn và mới lạ.
Như chúng ta đã biết, cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, Hãng thông tấn Pháp – AFP đã có hai trụ sở đặt tại Hà Nội và Sài Gòn. Sau chiến tranh, văn phòng Hà Nội vẫn được duy trì hoạt động, trở thành văn phòng báo chí thường trực nước ngoài duy nhất nằm ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa. Giám đốc của AFP đến từ Pháp và được ít nhất một nhà báo và một phiên dịch viên người Việt hỗ trợ, còn có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp thông tin của cả Lào và Campuchia.
Những năm 1980, sau khi đất nước thống nhất và thực hiện chính sách đổi mới chính là giai đoạn bản lề của Việt Nam. Phóng viên của AFP lúc đó có trách nhiệm nặng nề mà thú vị là cung cấp thông tin đầy đủ nhất có thể về tất cả các mặt của cuộc sống tại Việt Nam lúc bấy giờ qua những thông điệp được dịch và đọc trên toàn thế giới. Trưởng đại diện Văn phòng hãng thông tấn AFP tại Hà Nội, từ tháng 6/1981 đến tháng 6/1983, ông Michel Blanchard, bằng tất cả những trải nghiệm trong công việc và cuộc sống đời thường của mình đã đưa chúng ta quay ngược lại thời gian thông qua triển lãm tranh gồm 50 tác phẩm do chính tay ông thực hiện.
Với ông, trải nghiệm này đánh dấu bước khởi đầu cho mối quan hệ gắn bó lâu dài với Việt Nam, thông qua những cuốn sách hướng dẫn du lịch do ông viết cũng như thông qua công việc báo chí của mình, hay nhất là thông qua những bức ảnh ông chụp. Mối quan hệ này giờ đây sẽ được mãi mãi duy trì thông qua rất nhiều các cầu nối văn hóa đã được tạo nên.

Chợ hoa Tết Hà Nội 1982
Tàu điện cổ trên phố Đinh Tiên Hoàng, 1983

Hơn 50 bức ảnh chụp nhiều địa danh, với Hà Nội chiếm đa số, tuy chưa thể là bức tranh toàn diện về tất cả mọi mặt của Việt Nam những năm 80 nhưng cảm giác rưng rưng là có thật, khi ảnh làm ùa về những ngày xưa ấy, với những gì đã chỉ còn là hoài niệm: Tàu điện cổ trên phố Đinh Tiên Hoàng, Chợ hoa Hà Nội ngày tết, Xích lô và những bó hương phơi trên phố cổ, Phố cổ một ngày mùa đông, Cửa hiệu cạnh chợ Đà lạt, Thợ cắt tóc đường phố ở Huế…
Với Michel Blanchard, vào thời điểm đó, khi thời sự, thông tin không còn là thứ được ưu tiên, mà là cuộc sống thường nhật, thú vui mãn nhãn, những cảm xúc bất chợt và sự đồng cảm, sẻ chia giữa người với người đã khiến nhà báo bị thu hút mỗi dịp cuối tuần với chiếc máy ảnh. Vào những dịp rảnh rỗi khi cuối tuần hoặc ngày lễ, ông thường dạo chơi bằng xe đạp trên khắp các con phố để chụp ảnh phố phường Hà Nội.

Hoa phượng nở trên hồ Thiền Quang, Hà Nội 1983

Trong quá trình làm việc của mình, chiếc máy ảnh luôn là vật ông mang theo bên mình khi đi làm phóng sự, và ông có dịp đi dọc đất nước, từ Lạng Sơn đến thành phố Hồ Chí Minh vào thời kì trước khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ phóng viên thường trú tại Việt Nam, ông tiếp tục đến Việt Nam vài lần mỗi năm trong hơn mười năm với tư cách là tác giả viết sách du lịch. Từ những chuyến đi này, ông phát hiện ra một Việt Nam bí ẩn, một Việt Nam nguyên vẹn, một Việt Nam đang chuyển mình phát triển từng ngày. Đây thực sự là một điều tuyệt vời mà Michel Blanchard thông qua những bức ảnh trưng bày tại triển lãm muốn chia sẻ với tất cả người dân Việt Nam, với đất nước đã đem lại cho ông nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào. Và cứ như thế, trên mỗi chặng đường, tác giả đã đem đến cho người xem sự hồi tưởng về một Việt Nam thân quen, mộc mạc với những nét cũ xưa nhưng chưa bao giờ phai nhạt.
“Sự vĩ đại của nhiếp ảnh là biến một khoảnh khắc thành vĩnh viễn. Chúng ta cần trân trọng những tác phẩm này, đây là một phần lịch sử bằng hình, giúp lưu truyền để thế hệ sau có thể hiểu về một thời kỳ đã qua của đất nước”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Giao thông đường thủy trên sông Hồng
Em Phong, một ngày mùa hè, ở phố Phùng Khắc Khoan – Hà Nội 1983
Bức ảnh hai cha con bên bờ hồ Hoàn Kiếm

Những bức ảnh của nhà báo Michel Blanchard là những tư liệu quý giá, ghi dấu chân thực đời sống, xã hội của Việt Nam thập niên 80. Không chỉ là những bức ảnh ý nghĩa, những tác phẩm trong triển lãm còn minh chứng cho một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của đất nước Việt Nam và gây ấn tượng mạnh đến người xem, bởi sự hồi tưởng một Việt Nam đậm đà bản sắc và ký ức sinh động.
“Mỗi khi khám phá một đất nước, một nơi chốn, một sự kiện, tôi không thể cưỡng lại nhu cầu lưu giữ khoảnh khắc đó, cảm nhận về khoảnh khắc thoáng qua thật mong manh, và trên hết là cảm nhận về cái đẹp. Với Việt Nam, cuộc gặp gỡ diễn ra vào tháng 6/1983. Việt Nam là một đề tài tuyệt vời đối với tôi, một cảm giác ngây ngất không bao giờ chán. Tất cả cuốn hút tôi: Con người, cảnh quan, những ngành nghề nhỏ, kiến trúc, ánh sáng. Khi xem một số bức ảnh, thậm chí tôi còn thấy lại cả mùi hương. Tôi có nhiều ảnh về Việt Nam hơn hẳn những bức tôi chụp ở các nước khác” – Michel Blanchard chia sẻ.

T.Thủy

 

Theo Cinet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *