Sân khấu

Vở Tuồng “Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư” giành Huy chương Vàng Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2019

Vở tuồng “Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư” của NH Tuồng Việt Nam là một trong 2 vở diễn được trao Huy chương Vàng tại Lễ bế mạc Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 tổ chức tối ngày 20/5/2019 tại Nhà hát Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Ban tổ chức trao Huy chương Vàng cho các vở diễn xuất sắc của Liên hoan

Diễn ra từ ngày 11 đến 20/5/2019, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 có sự tham gia tranh tài của gần 300 diễn viên, nhạc công và các thành phần sáng tạo của 16 vở diễn đến từ 11 đơn vị Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước.

Ban tổ chức trao Huy chương Bạc cho các vở diễn

Tại Lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao: 02 Huy chương Vàng cho 2 vở diễn: Chói rạng sơn hà (Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định) và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư (Nhà hát Tuồng Việt Nam); 04 Huy chương Bạc cho các vở: Quan khiêng võng (Nhà hát Tuồng Đào Tấn), Trung thần (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Hoạn lộ (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Cái mẻ kho (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế – Đoàn Ca kịch 2).

Ban tổ chức trao Huy chương Vàng cá nhân cho các diễn viên

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã trao 27 Huy chương Vàng và 49 Huy chương Bạc cá nhân cho các diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao các giải cho thành phần sáng tạo xuất sắc nhất đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo mang lại hiệu quả cao cho vở diễn tham gia Liên hoan, đó là: Tác giả xuất sắc – Nguyễn Sỹ Chức (vở Chói rạng sơn hà – Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định); Đạo diễn xuất sắc – NSND Hoài Huệ (vở Chói rạng sơn hà – Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định); Nhạc sĩ xuất sắc – NSƯT Cao Đình Lưu (vở Triết vương Trịnh Tùng – Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa); Họa sĩ xuất sắc – Nguyễn Hoàng Phong (vở Chói rạng sơn hà – Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định).

Ban tổ chức trao giải cho các thành phần sáng tạo
Ban tổ chức trao Huy chương Bạc cá nhân cho các diễn viên

Trong bài phát biểu tổng kết, PGS.TS Trần Trí Trắc – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan đã ghi nhận: “Bằng tất cả thanh – sắc – thục – tinh – khí – thần của một đời, các nghệ sĩ đã “đốt cháy” mình dưới ánh đèn sân khấu và đã thắp lên ánh sáng huyền diệu của hình tượng tuồng, hình tượng dân ca kịch dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng từ thể tài chính kịch tâm lý xã hội, chính kịch sinh hoạt tả thực, chính kịch anh hùng ca đến bi kịch và bi hài kịch. Khán giả quên sao được những hình tượng của các nhân vật: Thạch Sùng, Lê Văn Duyệt, Bà Muộn, Lê Đại Cang, Nguyễn Xí, Trần Khánh Dư, Thiếu úy công an Thu Thủy, ông Lộc, Trần Cảnh, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Trãi, Đặng Đại Độ… Những nghệ sĩ lão luyện với giọng ca và bản lĩnh sân khấu chuyên nghiệp, những nghệ sĩ trẻ hát dư hơi, sáng giọng, diễn say đắm như: Hoàng Hà, Mạnh Linh, Lộc Huyền, Hồng Chuyên, Kiều Oanh, Văn Quang, Thiên Huế, Ánh Dương, Nguyễn Thị Quyên, Thanh Long, Sơn Hà, Băng Châu, Xuân Quan, Linh Hiền… Những bàn tay “phù thủy” của các đạo diễn phần lớn là những ngôi sao có danh, có kinh nghiệm, có phong cách và có tâm huyết cao cả với nghiệp Tổ: NSND Lê Tiến Thọ, NSND Lê Hùng, NSND Hoài Huệ, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Đặng Bá Tài, NSƯT Triệu Trung Kiên, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, NSƯT La Thanh Hùng… Chính vì vậy, hầu hết các vở diễn đều được đồng nghiệp thừa nhận là sạch sẽ, suôn sẻ, chuyên nghiệp…”.

Hội nghệ sĩ SK Việt Nam trao bằng khen cho các diễn viên

Bên cạnh đó, PGS. TS Trần Trí Trắc cũng bày tỏ những nhìn nhận hết sức khách quan: “Liên hoan cũng không nhiều tác phẩm có câu chuyện mới mẻ, độc đáo mà phần lớn chỉ là những câu chuyện quen thuộc đã nghe, đã biết, đã thấy ở lịch sử, ở truyền thanh, truyền hình hoặc đơn vị nào đó đã diễn, đã biểu hiện theo thể loại khác. Vẫn còn vở kết cấu thiếu chặt chẽ – logic, lớp thừa – lớp thiếu, lớp dài – lớp ngắn, lớp thiếu tinh tế; có vở thiếu thi pháp cơ bản của kịch hát dân tộc, nên đã tạo ra thực trạng “kịch nói cắm tuồng”, “kịch nói cắm dân ca”; có vở lại dùng ngôn từ đương đại và đôi chỗ cục cằn thiếu thẩm mỹ… Về đạo diễn, đôi vở đã lạm dụng trang trí, làm sân khấu thừa vật cảnh, choán mất không gian hành động của diễn viên hoặc làm mất sự chú ý của khán giả đến diễn xuất của nghệ sĩ. Về nghệ sĩ biểu diễn, tại liên hoan lần này vẫn còn một số diễn viên tạo ra những “hạt sạn” như đôi khi hát bị phô, chênh, non, hụt hơi. Hoặc có lúc hát nhưng micro không mở, hay làm micro bị réo to, lạo xạo gây nhòe lời hát, thiếu sự chuyên nghiệp…”.

Vở diễn giành Vàng “Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư” – NH Tuồng Việt Nam

16 vở diễn tham dự Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch 2019 tuy không phải là nhiều nhưng đó là kết quả của sự sáng tạo nghệ thuật cùng những nỗ lực vượt qua khó khăn của các đơn vị tuồng và dân ca kịch trong cả nước. Nhất là trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương vẫn đang được triển khai thực hiện đã gây xáo trộn không nhỏ tới tâm lý của nghệ sĩ, diễn viên.

Tiết mục chào mừng tại Lễ bế mạc Liên hoan

Liên hoan đã khép lại nhưng với nhiều nghệ sĩ, diễn viên của nghệ thuật truyền thống thì 10 ngày diễn ra Liên hoan thực sự là những ngày hội nghề nghiệp, là cơ hội để họ được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi cũng như chia sẻ những kinh nghiệm với những người đồng nghiệp trên khắp cả nước.

Thanh Tâm

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *