Nếp Sống văn hoá

Xã Tuy Lai: Xây dựng quy ước làng văn hóa

Xã Tuy Lai là xã thuần nông thuộc huyện Mỹ Đức Thành phố Hà Nội. Toàn xã có 3.545 hộ với 14.050 nhân khẩu. Xưa kia việc phân định ranh giới các thôn được chia thành 4 Giáp là Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Ba và Giáp Bốn. Sau nhiều lần tách, nhập xã Tuy Lai ngày nay có 14 làng. Trong quá trình hình thành và phát triển các làng của xã Tuy Lai đều có quy ước riêng và được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp, thích nghi với thời cuộc. Chính điều đó đã phát huy vai trò tự quản, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp. Đồng thời hạn chế, loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng làng xã.

Phát huy giá trị làn điệu chèo. Ảnh minh họa

Tiếp nối những giá trị từ nội dung những quy ước cũ, trong những năm từ 1998  đến 2010, các làng trong xã đã bổ sung, chỉnh sửa bản quy ước làng, thi đua xây dựng quy ước làng văn hóa. Từ năm 2012 đến năm 2016, một số làng tách ra như làng Thượng, làng Đồng Mả, làng Trù, làng Giữa Quýt 1, làng Giữa Quýt 2, làng Giữa Quýt 3, làng Giữa Quýt 4 tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy ước làng xây dựng làng văn hóa. Các quy ước khi được chỉnh sửa bổ sung đều bám sát tinh thần chỉ đạo của cấp trên, nhất là nội dung chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới” và vẫn giữ những giá trị cốt lõi truyền thống từng làng.

Quý III năm 2021, thực hiện kế hoạch xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện hương ước, quy ước của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Ban Văn hóa xã Tuy Lai đã tham mưu UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai sửa đổi, bổ sung xây dựng, thực hiện quy ước trên địa bàn xã. Trên cơ sở đó, UBND xã giao Ban văn hóa, UBMTQ xã, Ban tư pháp xã kết hợp hướng dẫn các thôn chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện quy ước, trong đó chú trọng bổ sung những quy định về công tác phòng chống dịch bệnh, quy tắc ứng xử nơi công cộng, ứng xử trên không gian mạng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình mới.

Ngay sau khi tổ chức hướng dẫn và triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung xây dựng và thực hiện quy ước làng, các thôn đã thống nhất thành lập các Ban soạn thảo điều chỉnh, bổ sung quy ước. Nòng cốt của Ban soạn thảo là các đồng chí phụ trách công tác đảng, chính quyền, đoàn thể và một số cụ cao niên có am hiểu về truyền thống của làng và có uy tín trong cộng đồng dân cư, có kinh nghiệm và hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục, tập quán của từng làng để xin ý kiến góp ý.

Sau khi được chỉnh sửa bổ sung, bản quy ước của các thôn đều có 4 chương với 23 điều được Hội nghị toàn thể nhân dân và các ban, ngành, đoàn thể trong thôn  nhất trí thông qua. Đồng thời được tuyên truyền thường xuyên vào các buổi sinh hoạt đoàn thể, các hội nghị toàn dân, trên hệ thống đài truyền thanh thôn, xóm, và lưu giữ tại tủ sách nhà văn hóa để nhân dân thuận lợi tìm đọc. Nội dung quy ước lồng ghép việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới cùng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bộ quy tắc ứng xử người dân nơi công cộng… Các bản quy ước thống nhất chung về bố cục và những nội dung theo quy chuẩn pháp luật nhưng những giá trị cốt lõi của văn hóa, bản sắc vẫn luôn được người dân các làng chú trọng giữ gìn.

Là thôn còn lưu giữ được làn điệu hát chèo, bản quy ước Làng Giáp Bốn, xã Tuy Lai nêu lên mỗi người dân trong làng đều có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị làn điệu chèo.  Đặc biệt, mỗi thành viên trong câu lạc bộ hát chèo cùng nhân dân tích cực tuyên truyền vai trò, ý nghĩa của làn điệu chèo trong đời sống dân làng. Câu lạc bộ chủ động giúp làng dàn dựng các tiết mục chèo trình diễn vào các dịp lễ, tết. Tổ chức truyền đạt lời ca, tiếng hát cho các thế hệ sau tiếp cận với làn điệu chèo quê hương thông qua các buổi sinh hoạt, kết nạp thành viên mới. Là thôn có truyền thống khuyến học khuyến tài, trong bản quy ước làng Trê quy định tiếp tục duy trì và phát huy Quỹ khuyến học hàng năm để kịp thời khen thưởng, động viên các cháu có thành tích cao trong học tập. Quy ước cũng đưa thêm vào nội dung chọn ngày chủ nhật trong khoảng thời gian từ 15-20/2 âm lịch hàng năm khi công việc cấy hái, trồng cây vụ xuân đã cơ bản xong xuôi các xóm trong làng tổ chức liên hoan và giao lưu văn hóa văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian để giải trí, thắt chặt tình làng nghĩa xóm sau những ngày lao động vất vả… Quy ước làng cũng nghiêm cấm việc lợi dụng liên hoan, giao lưu để tổ chức các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong lần sửa đổi, bổ sung quy ước làng lần này các thôn chú trọng bổ sung nội dung xử lý những người có hành vi vi phạm các quy định của quy ước như: tự ý  xây dựng công trình trái phép hay có hành vi ảnh hưởng đến môi trường, thông tin không đúng sự thật trên không gian mạng xã hội….. Đối với những hành vi này, các thôn áp dụng các hình thức giáo dục, phê bình của gia đình, tập thể cộng đồng, không đưa vào danh sách bình xét gia đình văn hóa.

Với những nội dung mang tính định hướng, hướng dẫn được triển khai rộng rãi, quy ước làng mang lại hiệu quả tích cực với đời sống nhân dân. Trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã xóa bỏ được các tập tục cổ hủ.  Cùng với hệ thống pháp luật của Nhà nước, quy ước làng ở xã Tuy Lai đã và đang hỗ trợ đắc lực cho các cuộc vận động duy trì an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong nhân dân. Qua đó góp phần cùng Thành phố xây dựng “Văn hóa người Hà Nội” trong thời đại mới.

TL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *