Nếp Sống văn hoá

Xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh ở khu phố

Nhân dân khu phố 3, phường 8, quận 3 vừa có buổi mạn đàm về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị… Buổi mạn đàm do Chi bộ tổ chức. Ðối tượng tham dự là đảng viên, thành viên Ban Công tác mặt trận khu phố, tổ trưởng […]

Nhân dân khu phố 3, phường 8, quận 3 vừa có buổi mạn đàm về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị… Buổi mạn đàm do Chi bộ tổ chức. Ðối tượng tham dự là đảng viên, thành viên Ban Công tác mặt trận khu phố, tổ trưởng các tổ dân phố, các hộ dân cư, các đồng chí đảng viên sinh hoạt tại địa phương theo Quyết định 76 – QÐ/TW…
Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa… là cuộc vận động lớn được thành phố phát động từ nhiều năm qua. Ðể cuộc vận động lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình; cùng với cổ động trực quan bằng biểu ngữ trên đường phố, khu dân cư, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng về đề tài này cũng được tổ chức thường xuyên ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, cách tuyên truyền, vận động như khu phố 3, phường 8 thực hiện theo hình thức mời các hộ gia đình cùng ngồi lại, tự nhận xét, đánh giá những mặt đã làm được về thực hiện nếp sống văn minh; nêu ra những yếu kém, tồn tại trong chính gia đình mình, tổ dân phố mình đang sinh sống để bàn cách phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu… thì có lẽ ít được các chi bộ khu phố, các tổ dân phố trong các địa bàn dân cư quan tâm tổ chức.

Mặc dù, khái niệm nếp sống văn minh đô thị bao gồm nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực, vừa có tính lý luận, vừa là những vấn đề cụ thể, tuy nhiên, cách mà khu phố 3 tiến hành là gắn với những nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa thông qua những vấn đề rất cụ thể trong đời sống, sinh hoạt, cách ứng xử của từng cá nhân… đã tạo không khí thoải mái, sôi nổi của buổi mạn đàm. Do vậy, khá nhiều yếu kém được nêu ra như: Có gia đình không đóng tiền đổ rác, buổi tối đem túi rác ra bỏ ở gốc cây trên hè phố; trong tổ còn một vài thanh niên tụ tập nghi sử dụng ma túy; một vài gia đình nuôi “thú cưng” để phóng uế bừa bãi, ngõ hẻm chật chội nhưng khi có đám cưới hoặc tang lễ thường che rạp, bày bàn ghế chặn gần hết lối đi chung; trống kèn, âm thanh mở quá to. Từ việc phân tích những yếu kém, hạn chế, nhiều sáng kiến khắc phục cũng được bàn thảo: Ðảng viên, cán bộ khu phố phải gương mẫu trong mọi mặt sinh hoạt, lối sống, thật sự làm gương cho quần chúng nhân dân; các tổ dân phố duy trì mô hình đường phố, ngõ hẻm không rác; thành lập các tổ gia đình tự quản về an ninh, trật tự an toàn xã hội, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh đô thị đòi hỏi phát huy mọi nguồn lực trong cộng đồng. Nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của từng cá nhân, gia đình trong mỗi tổ dân phố, khu dân cư như cách làm của khu phố 3, phường 8 là mô hình hay, rất đáng được nhân rộng để công tác tuyên truyền, vận động có thêm điều kiện lan tỏa trong toàn thành phố.

Theo Báo Nhandan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *