Văn hóa cơ sở

Xây dựng nét đẹp người Hà Nội

Xây dựng nếp sống người Hà Nội với các tiêu chí: Chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp… là nhiệm vụ được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa trong Chương trình 04-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa – xã hội, […]

Xây dựng nếp sống người Hà Nội với các tiêu chí: Chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp… là nhiệm vụ được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa trong Chương trình 04-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội, từng bước củng cố, hoàn thiện và phát triển các giá trị văn hóa.

Nhà Văn hóa thôn Bình Vọng, xã Văn Bình (huyện Thường Tín) thu hút đông người dân đến đọc sách và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ảnh: Lê Tuấn

Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định: “Tiếp tục xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến; tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh…”, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020. Sau 5 năm thực hiện, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao; hoàn thành việc xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng dân cư… Tính đến cuối năm 2016, Hà Nội có 86% số gia đình, 55,2% số làng, 70% tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa. Nhiều mô hình văn hóa như “Cưới trang trọng, tiết kiệm”, “Tang văn minh, tiến bộ”, “Phường văn hóa”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Tổ dân phố không rác”… được hình thành, phát triển ở các địa phương.Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa

Hệ thống các thiết chế văn hóa ở Hà Nội được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn văn hóa các dân tộc. Những năm gần đây, Hà Nội có hàng trăm công trình nhà văn hóa cơ sở được xây mới theo đúng tiêu chuẩn, trở thành điểm hẹn sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, sau thời gian dài “thai nghén”, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, nhằm định hướng hành vi ứng xử cho các tầng lớp nhân dân đã được TP Hà Nội ban hành. Với những hướng dẫn vừa khoa học, cụ thể, vừa phù hợp với tình hình thực tế, hai bộ Quy tắc ứng xử này đã nhanh chóng đi vào đời sống.

Thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi cộng cộng

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để giáo dục, bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội. “Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các địa phương, môi trường văn hóa, văn minh từ công sở đến nơi công cộng, từ gia đình ra ngoài xã hội trên địa bàn TP Hà Nội sẽ từng bước định hình rõ nét” – ông Nguyễn Khắc Lợi tin tưởng.

Cần sự nỗ lực hơn nữa

Dẫu rằng kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống chúng ta vẫn không khó để nhận thấy, đâu đó vẫn còn có hành vi xả rác bừa bãi, nói tục, ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; treo, dán quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định; chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai đã lâu, nhưng một số địa phương vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức. Ở các khu đô thị mới, khu công nghiệp, chủ đầu tư, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, người lao động. Hệ thống nhà văn hóa tuy nhiều, nhưng phân bố không đều. Tại các quận nội thành, số tổ dân phố có nhà văn hóa mới đạt 27,5%, trong khi tỷ lệ này tại các huyện ngoại thành là 82,5%, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhà văn hóa.

Những tồn tại này đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và người dân Thủ đô. Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ nét trong nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội; khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn gia đình truyền thống của Thăng Long – Hà Nội phù hợp với những yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại; xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; đẩy mạnh xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở…

Hiện nay, Sở VH-TT Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng mô hình văn hóa cơ sở” và đề án “Hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở”. Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống nhà văn hóa cơ sở; phấn đấu 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng vào năm 2020. Mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” sẽ được chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm lớn, tiêu biểu cả nước về văn hóa, thành phố sẽ tập trung phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa; xây dựng và tăng cường quản lý, đầu tư, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa. Đồng thời, triển khai rộng rãi bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng… Các giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật của người dân Thủ đô.

                                                                                                 Hà Hiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *