Quy tắc ứng xử

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI. Đây được coi là một nội dung quan trọng đặt thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu của tiến trình đổi mới Thủ đô, đất nước và chỉ đạo triển khai bằng nhiều giải pháp thiết thực, bám sát thực tiễn đời sống.

Trong đó, định hướng có tính bao trùm nhất phải kể đến Chương trình số 04 với nhiệm vụ được coi là khâu đột phá là ban hành 02 Bộ Quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử trong cơ quan của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Những quy tắc này đã làm thay đổi căn bản nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của không chỉ công chức, viên chức mà cả với người dân Thủ đô và du khách khi đến Hà Nội. Việc thực hiện quy tắc ứng xử đã góp phần khơi dậy ý thức, trách nhiệm, niềm tự hào của người Hà Nội, qua đó đề cao, vun đắp nếp sống văn minh.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận đồng tình, hưởng ứng, tự giác thực hiện. Các tiêu chí chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt… được đề cao, tuyên truyền rộng rãi và có sức lan tỏa sâu rộng. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Người tốt, việc tốt”…được thực hiện đều khắp trên địa bàn thành phố. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các gia đình tổ chức hỏa táng cho người thân khi mất toàn thành phố đạt 60,85%. Việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới hỏi đã có những thay đổi rõ rệt. Về cơ bản, các đám cưới được tổ chức theo tiêu chí trang trọng, lành mạnh và tiết kiệm. Một số quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc cưới văn minh gồm: Quận Ba Đình đạt tỷ lệ 99,3%; quận Long Biên đạt tỷ lệ 98%; huyện Mỹ Đức đạt tỷ lệ 95%… Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng có những chuyển biến rõ nét. Các hoạt động “buôn thần, bán thánh”, các hình thức cờ bạc, bói toán tại các lễ hội lớn cũng giảm nhiều.

Thuộc địa bàn có đông dân cư, nhiều khách du lịch, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” nhằm phát huy truyền thống, văn hóa ứng xử của người dân phố cổ với 5 tiêu chí, trong đó tập trung vào 2 tiêu chí chính là giao tiếp văn hóa và giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ 2009 đến nay, việc thực hiện đề án gắn với thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử đã nhận được sự ủng hộ của người dân, tạo phong trào sâu rộng thu hút đông đảo người dân tham gia và ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Quận Hoàn Kiếm cũng duy trì tốt hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình 04. Hằng tuần, Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra trên địa bàn 18 phường, nhắc nhở các vấn đề còn tồn tại cả về văn hóa và vệ sinh môi trường, thông tin tới lãnh đạo quận để khắc phục ngay các vấn đề còn tồn tại.

 

Hướng dẫn trẻ em giữ gìn nếp sống thanh lịch, văn minh nơi công cộng.

Quận Nam Từ Liêm đã thực hiện nhiều mô hình, trong đó có mô hình bộ phận tiếp nhận kết quả thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp. Mô hình này đã được nhân rộng ở nhiều phường trên địa bàn quận. Trong quá trình triển khai mô hình này, quận Nam Từ Liêm tập trung thực hiện hai nội dung là giao tiếp ứng xử và giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, coi đây là giải pháp quan trọng. Để thực hiện hiệu quả hai nội dung này, quận Nam Từ Liêm đã xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính rõ người, rõ việc trong nội bộ, thực hiện giao tiếp ứng xử văn minh. Hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân nào bị chậm trễ thì cán bộ công chức đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo. Quận Nam Từ Liêm cũng xây dựng tiêu chí đánh giá thi đua hằng tháng đối với cán bộ công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Với nội dung giao tiếp ứng xử văn minh, quận Nam Từ Liêm đã xây dựng 10 nguyên tắc ứng xử trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và quán triệt “ba không” gồm: Không để chậm trễ hồ sơ, không gây sách nhiễu phiền hà, không để người dân đi lại nhiều lần.

Huyện Đông Anh đã thực hiện các giải pháp để có được thành công trong việc thực hiện tang văn minh, đó là: Tuyên truyền vận động người dân (trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức được 2.000 buổi tọa đàm, giúp người dân hiểu hơn ý nghĩa của việc thực hiện tang văn minh); xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền tại các làng, tổ dân phố; chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt trong cơ sở, bổ sung nội dung này vào các quy ước, hương ước của làng; thực hiện hỗ trợ hoả táng…Điểm mới nữa trong việc thực hiện tang văn minh tại huyện Đông Anh là việc quy hoạch nghĩa trang đồng bộ. Trên địa bàn huyện có 132 nghĩa trang đã được cải tạo đồng bộ, nâng cấp. Đây là giải pháp căn cơ và hiệu quả để giải quyết vấn đề quỹ đất đang ngày càng thu hẹp…

Tuy đạt được những thành tựu trên, song do tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học của Thủ đô tăng nhanh nên nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chuyển biến còn chậm, văn hóa ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Kế thừa 8 chương trình công tác lớn nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng 10 chương trình công tác để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết, trong đó có Chương trình 06 với nội dung “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025”. Với mục đích phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, việc triển khai thực hiện chương trình sẽ tập trung vào một số giải pháp: Một là, tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với nhiều hình thức. Hai là, dự liệu tốt các nội dung của phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với các tiêu chí cụ thể về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ba là, kiểm tra, giám sát việc phát huy vai trò tự quản của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Bốn là, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Năm là, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện quy tắc ứng xử, vi phạm các quy định liên quan./.

Phương Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *