Với 147 HLV, VĐV, chuyên gia tham gia Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 28 tại Singapore thi đấu tại 23 môn trên tổng số 28 môn, đóng góp tới 30% lực lượng và giành 34,25% tổng số huy chương vàng
Ngày 24/12/2015, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã lựa chọn một số hoạt động nổi bật của Ngành trong năm 2015 và tổ chức gặp mặt, lấy ý kiến bình chọn của một số cơ quan báo chí, truyền hình của Trung ương và Hà Nội với sự tham gia của gần 100 phóng viên, nhà báo.
Kết quả 10 sự kiện, hoạt động Văn hóa và Thể thao tiêu biểu năm 2015 như sau:
1. Tổ chức thành công các hoạt động Văn hóa và Thể thao chào mừng những sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô trong năm 2015
Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện, ngày lễ lớn gắn với Thủ đô và đất nước. Sở VH&TT Hà Nội đã tham mưu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Trung ương và các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã tổ chức thành công nhiều hoạt động phục vụ các sự kiện chính trị lớn của đất nước và Thủ đô như: Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU – 132); Đại hội Thi đua yêu nước toàn thành phố giai đoạn 2010-2015; Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020; Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn cấp quốc gia như 85 năm Ngày thành lập Đảng CSVN; 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam… để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 đã diễn ra thành công, tốt đẹp.
2. Hoàn thành tốt vai trò cơ quan Thường trực ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015” trong việc triển khai thực hiện các nội dung, đề án và tổ chức Tổng kết chương trình thành công
Chương trình 04-CTr/Tu về “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015” là chương trình công tác lớn được Thành ủy tập trung chỉ đạo thực hiện; nội dung của chương trình liên quan đến những lĩnh vực hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Sở VH&TT Hà Nội là đơn vị chủ trì thực hiện 10/43 dự án, đề án trong chương trình; làm tốt công tác tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 04CTr/TU trong công tác xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, điều hành, đôn đốc thực hiện và tổ chức Tổng kết chương trình thành công.
3. Đề án tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại các di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội kết thúc được Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả xuất sắc
Sau quá trình kiểm kê với 5847 di tích các loại, việc đề án được hoàn thành giúp cho Thành phố có một danh mục đầy đủ nhất sau khi mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô; giúp công tác quản lý nhà nước có được những thông tin cơ bản về đặc điểm, giá trị, hiện trạng của hệ thống di tích trên địa bàn; định hướng cho các hoạt động trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.
4. Nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên và Nghi lễ và trò chơi kéo mỏ tại đền Vua Bà, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong đề cử Hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản đa quốc gia năm 2015
Vào hồi 12h15’ giờ địa phương (17h15’ giờ Việt Nam) ngày 02/12/2015, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tịa thành phố Windhoek, nước Cộng hòa Namibia, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các địa phương tham gia xay dựng hồ sơ củ Việt Nam gồm: quận Long Biên và huyện Sóc Sơn của thành phố Hà Nội; huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; Thành phố Bắc Ninh; huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Trong đó, Hà Nội có 02 di sản: kéo co ngồi tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên và Nghi lễ và kéo mỏ tại đến Vua Bà, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn.
5. Đạt thành tích xuất sắc (03 Huy chương Vàng, 03 Huy chương Bạc chương trình, vở diễn) khi tham gia các Cuộc thi Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế
Các nhà hát của Thủ đô đạt thành tích cao khi tham gia Cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế với 65 huy chương (38HCV, 27 HCB), được đánh giá đứng đầu về chương trình nghệ thuật, đạt 03 Huy chương Vàng chương trình, vở diễn với vở “Điệp khúc vi rút” – Nhà hát Kịch Hà Nội tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tháng 6/2015; Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Trở về” – Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long tại Hội thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 năm 2015; vở diễn “Yêu là thoát tội” – Nhà hát Cải lương Hà Nội tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Cải lương toàn quốc tại Bạc Liêu.
Vở diễn “Yêu là thoát tội” giành Vàng tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Cải lương toàn quốc 2015.
6. Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú cho 39 nghệ nhân và 37 nghệ sỹ của Hà Nội
Năm 2015, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú lần thứ 8 và danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất cho 37 nghệ sỹ (27 nghệ sỹ ưu tú, 10 nghệ sỹ nhân dân), 39 nghệ nhân của Thành phố. Đây là danh hiệu cao quý mà Nhà nước Việt Nam trao tặng cho những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật và hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa phi vật thể, là sự tôn vinh những đóng góp của nghệ nhân, nghệ sỹ Hà Nội, động viên, khích lệ các nghệ nhân, nghệ sỹ tiếp tục cống hiến đóng góp cho Thủ đô và đất nước.
7. Tổ chức thành công các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, thể thao giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội và đất nước.
Trong năm 2015, ngành đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu, hợp tác về văn hóa, thể thao giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, tiêu biểu là hoạt động Những ngày Văn hóa Hà Nội tại Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Fukuoka, Matxcơva, Paris… Tổ chức các đoàn nghệ thuật biểu diễn tại 25 tỉnh, thành phố trong cả nước… góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, nâng cao vị thế của Thủ đô và đất nước.
8. Đoàn Thể thao Hà Nội tham gia Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc tại SEA Games 28 – Singapore với thành tích 68/186 tổng số Huy chương và 25/73 (chiếm 34,25%) Huy chương Vàng của Đoàn Thể thao Việt Nam
Với 147 HLV, VĐV, chuyên gia tham gia Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 28 tại Singapore thi đấu tại 23 môn trên tổng số 28 môn, đóng góp tới 30% lực lượng và giành 34,25% tổng số huy chương vàng. Một số vận động viên tiêu biểu của Hà Nội vinh dự trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
9. “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2015” tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô thu hút gần 300.000 người tham gia
Ngày 23/3/2015, hưởng ứng phát động “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” của Bộ VHTTDL, tại các địa điểm công cộng trên địa bàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có gần 300.000 người tham gia. Xây dựng ngày chạy Olympic thành một hoạt động có truyền thống hàng năm, từng bước hình thành thói quen thường xuyên luyện TDTT nâng cao thể chất cho mọi người, đồng thời tuyên truyền nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của luyện tập TDTT trong việc bảo vê, nâng cao sức khỏe người dân.
Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được đông đảo VĐV, cán bộ, học sinh, sinh viên, người khuyết tật và người dân tham gia.
10. Xây dựng, lắp đặt dụng cụ TDTT ngoài trời phục vụ nhân dân tập luyện tại các quận nội thành đạt hiệu quả cao, là mô hình điểm để các quận, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế TDTT trên địa bàn thành phố
Nhằm tạo ra khu vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân rèn luyện, nâng cao sức khỏe, thể chất con người Thủ đô. Năm 2015, Sở VH&TT Hà Nội triển khai xây dựng, lắp đặt dụng cụ TDTT ngoài trời phục vụ nhân dân tập luyện tại các công viên, vườn hoa tại 04 quận nội thành (Hà Đông, Tây Hồ, Long Biên, Ba Đình), mỗi điểm 24 dụng cụ, trang thiết bị luyện tập với số vốn đầu tư 400 triệu đồng/điểm. Từ đầu tư ban đầu của Thành phố. Các quận chủ động kêu gọi đầu tư, trong đó, tiêu biểu quận Long Biên đã xây dựng, lắp đặt thêm 31 điểm tập luyện TDTT tại 14 phường trên địa bàn quận.