(NHN) Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn có hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng ròng hoặc ngọc quý.
Tại chái đông điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) vào ngày 18/5 đã diễn ra triển lãm “Phiên bản ấn vàng triều Nguyễn và văn bản hành chính”. Những chiếc ấn quý y như thật dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã cho người xem nhiều bất ngờ.Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ). Dưới thời Nguyễn (1802-1945), thời Gia Long (1802-1820) có 12 chiếc, thời Minh Mạng (1820-1840) có đến 15 chiếc; thời Thiệu Trị (1841-1847) có 10 chiếc; thời Tự Đức (1848-1883) cũng có 15 chiếc, thời Kiến Phúc (1884) và Hàm Nghi (1885) đều chỉ có 1 chiếc; thời Đồng Khánh (1885-1888) có 5 chiếc; thời Thành Thái (1889-1907) có 10 chiếc; thời Khải Định (1916-1924) có 12 chiếc; và thời Bảo Đại (1925-1945) có 8 chiếc.
Các ấn rồng vàng phiên bản 1:1
Về cấu trúc và kiểu dáng, các bảo tỷ nói chung bao gồm 2 phần: thân ấn và quai ấn. Biểu tượng chủ yếu trên ấn là con rồng, chân có năm móng. Trong văn hoá phương Đông, đây là linh vật tượng trưng cho nhà vua, sự chính thống của ngôi vị và quyền lực.
Kim bảo, ngọc tỷ là những báu vật của quốc gia. Điều đáng tiếc là một số chiếc ấn có tính biểu tượng như chiếc ấn Hoàng đế chi bảo đã thất tán tại Cộng hòa Pháp, một số chiếc đã bị đánh cắp và tiêu hủy như chiếc ấn Nam Phương Hoàng hậu chi bảo. Nhưng hiện nay tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn còn giữ được 85 chiếc ấn bằng vàng, bằng ngọc, bằng bạc của triều Nguyễn.
Nhằm góp phần giúp du khách đến tham quan cố đô Huế ngày nay có cơ hội hình dung về một loại cổ vật đặc biệt, gắn liền với quá trình điều hành và quản lý nhà nước thời quân chủ, nghệ nhân Trần Độ từ làng gốm Bát Tràng đã bỏ công sức làm 11 phiên bản của từ các tiêu bản lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đó là 11 chiếc ấn làm bằng gốm, thếp vàng với tỷ lệ 1/1 y như thật.
Ấn Sắc mệnh chi bảo bằng vàng, nặng ~ 8,3 kg, đúc vào niên hiệu Minh Mạng thứ tám (1827). Sau khi đúc, ấn Sắc mệnh chi bảo được đóng vào các văn bản ban cấp cho văn võ, phong tặng cho thần dân.
Chiếc ấn thuộc dạng lớn nhất với con rồng rất tinh xảo và bệ vệ. Quai rồng cuộn ngồi xổm, đẩu ngẩng, 2 sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân 5 móng.
Ấn Văn lý mật sát bằng vàng 8 tuổi (nặng 6 lạng 9 phân), đúc vào niên hiệu Đồng Khánh nguyên niên (1886). Ấn này dùng để đóng dùng để đóng vào các chỉ dụ, sớ chương đã có tẩy xóa hoặc thêm vào hoặc những chỗ giáp nhau của hai tờ văn bản quan trọng.
Ấn Bảo Đại thần hàn, vàng 15 lạng, quai hình rồng bay, đầu ngẩng, há miệng, lưng cong vồng, đuôi xòe 5 dải hình ngọn lửa.
Ấn Tự Đức thần hàn bằng vàng (vàng 10 tuổi, 76 lạng, 6 tiền, 5 phân) đúc vào niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848). Đây là ấn của vua Tự Đức, dùng để đóng trên văn từ của vua viết bằng mực son (châu phê hoặc châu bút).Quai hình rồng chầu, 2 chân trước chống, 2 chân sau quỳ, đầu ngẩng, mũi cao, bờm dài, đuôi xoáy.
Ấn Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu chi bảo đúc bằng vàng tuổi 8 năm rưỡi (nặng 86 lạng 4 tiền 8 phân), đúc vào niên hiệu Hàm Nghi nguyên niên (1885). Năm 1883, trong một di chiếu trước khi mất, vua Tự Đức đã tấn tôn Hoàng Thái hậu Từ Dũ là Thái Hoàng Thái hậu. Ấn này do vua Hàm Nghi chỉ thị đúc nhân tổ chức lễ tấn tôn cho Hoàng thái hậu Từ Dũ vào năm 1885. Ấn quai hình rồng đứng, đầu ngẩng, lưng cong, đuôi uốn, 4 chân chùn.