(HNMO) – Hôm nay (31-7), Nhà hát Lớn Hà Nội cùng lãnh đạo của 5 nhà hát đã giới thiệu chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian” sẽ trình diễn tại “thánh đường nghệ thuật” trong tháng 8 tới đây. Vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ mở […]
(HNMO) – Hôm nay (31-7), Nhà hát Lớn Hà Nội cùng lãnh đạo của 5 nhà hát đã giới thiệu chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian” sẽ trình diễn tại “thánh đường nghệ thuật” trong tháng 8 tới đây.
Vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ mở màn cho chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đây là chương trình nằm trong dự án đưa nghệ thuật đỉnh cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) khởi xướng.
Theo đó, 5 nhà hát sẽ lần lượt giới thiệu 11 tác phẩm sân khấu được cho là kinh điển và gặt hái nhiều huy chương, giải thưởng tại các liên hoan sân khấu trong nước và quốc tế. Nhà hát Tuổi trẻ mở màn với 3 vở diễn: “Vòng phấn Kavkaz” (tác giả Bertol Brecht, đạo diễn người Đức – Dominik Gunther) vào ngày 5-8; vở “Ai là thủ phạm” (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Chí Trung) vào ngày 6-8; vở “Công lý không gục ngã” (đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) vào ngày 7-8.
Nhà hát Kịch Hà Nội đóng góp 3 vở: “Cát Bụi” (đạo diễn NSND Xuân Huyền) vào ngày 8-8; “Điện thoại di động” (đạo diễn NSND Hoàng Dũng) vào ngày 9-8 và “Bỉ vỏ” (đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) vào ngày 10-8.
“Anh cả đỏ” của làng sân khấu – Nhà hát kịch Việt Nam tham gia với 2 vở diễn là “Kiều” (đạo diễn NSND Anh Tú) vào ngày 11-8 và “Lão hà tiện” (đạo diễn NSND Tuấn Hải) vào ngày 13-8.
Đoàn kịch nói Công an Nhân dân đóng góp 2 vở diễn là “Bão của hoàng hôn” vào ngày 17-8 và “Quyết đấu giữa sương mù” vào ngày 18-8. Nhà hát kịch Quân đội tham gia với vở “Dưới cát là nước” vào ngày 20-8.
Trong buổi giới thiệu chương trình, ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) cho biết, mục đích xây dựng kịch mục tháng 8 diễn ra ở Nhà hát Lớn là “Những vở kịch còn mãi với thời gian” vì cơ quan quản lý và các Nhà hát mong muốn giới thiệu tới công chúng những tác phẩm sân khấu nổi tiếng, kinh điển và tâm huyết tại “thánh đường nghệ thuật”.
Cục NTBD để các Nhà hát chủ động chọn lựa những tác phẩm tiêu biểu nhất của mình theo đúng tiêu chí: “phải là những vở chất lượng cao cả về dàn dựng lẫn nghệ thuật, cho dù đó là những tác phẩm sân khấu đã dàn dựng lâu hay là mới thực hiện”.
Nói về việc bán vé, bà Nguyễn Minh Nguyệt – Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, việc đưa các tác phẩm sân khấu đỉnh cao vào Nhà hát Lớn được thực hiện tròn một năm nay. Năm 2016, Nhà hát Lớn Hà Nội tổ chức được 14 vở diễn, việc bán vé vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Năm 2017, Nhà hát Lớn và các đơn vị nghệ thuật vẫn kiên trì việc đưa các tác phẩm giá trị vào Nhà hát Lớn. Dù còn nhiều khó khăn để xây dựng thương hiệu nhưng Nhà hát Lớn và các đơn vị Nhà hát vẫn tin tưởng sẽ tháo gỡ được khó khăn về số lượng người xem.
Bà Minh Nguyệt khẳng định: “So với năm 2016, năm nay khách lẻ mua vé vào Nhà hát Lớn xem nghệ thuật đã tăng hơn, đủ để giúp Nhà hát Lớn hòa vốn trong các chi trả cho diễn viên và các phụ phí khác”.
NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam khẳng định, các nghệ sĩ khi tham gia chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn không đặt nặng vấn đề tài chính lên hàng đầu mà quan trọng là được tham gia biểu diễn tại địa điểm vốn là “giấc mơ” của sân khấu.
“Hiện nay, Bộ VH-TT&DL, Nhà hát Lớn Hà Nội và các Nhà hát đều đang chung lưng gánh vác khó khăn về tài chính để cùng nhau xây dựng một thương hiệu nghệ thuật. Mục đích lớn nhất chúng tôi đặt ra là để quảng bá cho thương hiệu sân khấu Việt Nam chứ không vì doanh thu. Với các nghệ sĩ, được đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn biểu diễn là như được chắp thêm đôi cánh để thăng hoa trong nghệ thuật”, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.
Theo Báo HNM