Văn hóa

2 năm và 20 năm

Trục phố quanh Hồ Gươm không phải phố đi bộ đầu tiên, cũng không phải cuối cùng của Hà Nội. Nhưng so với những phố đi bộ khác tại Hàng Ngang, Hàng Đào, Đào Duy Từ, Trịnh Công Sơn…, cụm từ “phố đi bộ Hồ Gươm” vẫn có sức hút vượt trội với người dân […]

Trục phố quanh Hồ Gươm không phải phố đi bộ đầu tiên, cũng không phải cuối cùng của Hà Nội. Nhưng so với những phố đi bộ khác tại Hàng Ngang, Hàng Đào, Đào Duy Từ, Trịnh Công Sơn…, cụm từ “phố đi bộ Hồ Gươm” vẫn có sức hút vượt trội với người dân TP.

Đơn giản là Hồ Gươm được ví như lẵng hoa của TP, điểm đến của du khách mỗi khi tới Hà Nội. Và việc thiết lập tuyến phố đi bộ quanh nó, xét cho cùng, cũng chính là cách để cụ thể hóa tiềm năng của không gian này – không gian gắn với lịch sử, văn hóa và ký ức của TP.
Cần nhắc lại, ý tưởng về phố đi bộ Hồ Gươm đã được nhắc đến từ năm 1996 với quyết định của Bộ Xây dựng (về quy hoạch Hồ Gươm và khu phụ cận). Thế nhưng, mất đúng 20 năm, vào tháng 9/2016, câu chuyện ấy mới thành hiện thực. Trong hàng loạt lý do của sự chậm trễ đó, có một điều không thể phủ nhận: Hà Nội đã phải giải nhiều bài toán, để có thể định vị được không gian đi bộ tại Hồ Gươm trong 3 ngày cuối tuần. Đó không chỉ là những phức tạp về phân luồng xe, xử lý các nút giao thông, tạo các điểm đỗ xe phù hợp, mà quan trọng hơn, còn là việc biến Hồ Gươm thành một điểm đến văn hóa đúng nghĩa, để thu hút du khách. Bởi người ta không thể chỉ cấm xe và mặc định rằng một phố đi bộ đã được hình thành. Như cách nói của các nhà quy hoạch, việc cấm xe và “bật đèn xanh” cho đi bộ mới chỉ là bước khởi đầu. Phần còn lại là những hoạt động và cách tương tác để du khách có thể bị hấp dẫn và muốn đặt chân tới một phố đi bộ theo đúng nghĩa.
Thực tế, trong những tháng hoạt động đầu tiên, không gian đi bộ này đã nhận được những ý kiến trái ngược. Bên cạnh sự hồ hởi vì TP có thêm một điểm văn hóa mới, không ít người tỏ ý hồ nghi trước những bất cập mà phố đi bộ Hồ Gươm đang gặp phải. Thế nhưng, theo thời gian, hiệu ứng từ phố đi bộ Hồ Gươm cũng bắt đầu hình thành và lan tỏa – khi dù còn có những bất cập, người dân TP vẫn dần coi đây là một điểm đến hợp lý, thay vì phải xuôi ngược ra các công viên Thủ Lệ, Thống Nhất, Yên Sở… vào mỗi dịp cuối tuần.
Và đặc biệt, từ những điểm biểu diễn nghệ thuật hoặc trò chơi dân gian được ban tổ chức chủ động bố trí, khá nhiều hoạt động văn hóa tự phát đã được cộng đồng mang tới Hồ Gươm – để rồi bây giờ, vào bất cứ tối cuối tuần nào, người ta cũng có thể bắt gặp ở đây những màn biểu diễn nghệ thuật cả chuyên nghiệp và không chuyên từ mọi lứa tuổi. Đó là một hướng đi đúng và lâu dài. Bởi rõ ràng, về bản chất, Hồ Gươm khác với các phố đi bộ khác ở chỗ đó là không gian mặc định của ký ức, văn hóa và lịch sử, thay vì chỉ dành cho thương mại, ẩm thực hay giải trí.
Tất nhiên, với những nhu cầu ngày một lớn từ người dân TP, sẽ còn rất nhiều điều cần làm ở phố đi bộ Hồ Gươm. Đơn cử là việc tổ chức một cách khoa học các dịch vụ tiện ích để thỏa mãn sự bình đẳng từ mọi du khách, kể cả những người tàn tật; là thay đổi bố cục không gian và các hoạt động văn hóa để kéo dài thời gian thưởng ngoạn hoặc tạo thêm các điểm nhấn quanh hồ… Bởi tất cả những điều đó mới có thể tạo nên sức hút của một phố đi bộ đúng nghĩa, như tại các TP lớn trên thế giới.
Nhưng để đánh giá về một mô hình đang hoạt động, có lẽ điểm quan trọng nhất lại là khả năng hoàn thiện từ mô hình đó trong tương lai. Và sau 20 năm chờ đợi, 24 tháng hoạt động của phố đi bộ Hồ Gươm ít nhiều để người ta tin vào tiềm năng của nó.

Theo Báo Kinh té & Đô thị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *