Trong 2 ngày 19,20/3/2016, tại vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ sẽ diễn ra hoạt động trưng bày 200 cây và 10.000 cành hoa Anh đào Nhật Bản trong khuôn khổ Hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản và lễ tiếp nhận hoa Anh đào tại Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Văn hóa quốc tế Nhật Bản Wanokai và Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC tổ chức.
Trải qua 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2016), quan hệ Việt nam – Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện, trong đó, văn hóa là một trụ cột. Nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, hợp tác về văn hóa Việt Nam – Nhật Bản nói chung, Hà Nội – Tokyo và các thành phố của Nhật Bản nói riêng trong giai đoạn mới, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức “Hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản và tiếp nhận Hoa Anh đào tại Hà Nội” diễn ra từ ngày 19/3/2016 đến 20/3/2016 với nhiều hoạt động nổi bật.
Lễ khai mạc Hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản và tiếp nhận cây hoa Anh đào sẽ diễn ra vào 19h00 ngày 19/3 tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ và hoàn toàn được dành cho phía Nhật Bản. Ông Iizuka Iju, Tổng đạo diễn NHK cho biết phía Nhật Bản sẽ mang đến một không khí sôi động cho buổi lễ với màn đánh trống truyền thống do 20 em học sinh đến từ câu lạc bộ Trống trường THPT Sagamihara Nhật Bản biểu diễn. Đội trống nổi tiếng ở của xứ sở hoa Anh đào sẽ khai màn mở đầu chào đón quý vị đại biểu tham gia khai mạc.
Tiếp sau đó là phần giới thiệu linh vật nổi tiếng của Nhật Bản được giới trẻ yêu thích cùng những màn biểu diễn của các nhóm nhạc, ca sĩ nổi tiếng đến từ Nhật Bản như nhóm nhạc Momoiro Cloverz sẽ trình bày 7 ca khúc, ca sĩ nổi tiếng chuyên hát nhạc amime (nhạc phim hoạt hình) Ichiro Mizuki. Đến nay, Ichiro Mizuki đã có trên 1.200 ca khúc hát cho phim hoạt hình và cho trẻ nhỏ. Ông sẽ hát 6 ca khúc trong lễ Khai mạc sắp tới. Cuối cùng là phần biểu diễn của nữ ca sĩ nổi tiếng Itsuwa Mayumi, cô sẽ thể hiện ca khúc “Người yêu dấu ơi” của Nhật Bản. Đặc biệt, trong buổi lễ sẽ có sự hiện diện của 6 em học sinh đại diện cho Thành phố Fukushima – nơi đã phải hứng chịu thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 và được nghe các em chia sẻ về cuộc sống của mình.
Về phần trang trí cho hoạt động trưng bày cây và hoa Anh đào, bà Hosei Takeda, chuyên gia trang trí và thiết kế tâm sự: “Tôi vinh dự khi được phía Việt Nam mời sang tư vấn trang trí, thiết kế cho hoạt động trưng bày hoa Anh đào, đây là lần đầu tiên tôi được đến Việt Nam nhưng tôi đã biết tới Việt Nam gần 10 năm từ dịp Việt Nam – Nhật Bản giao lưu văn hóa trong nghệ thuật cắm hoa truyền thống. Về phần trang trí cho Hoạt động trưng bày tôi xin phép được giữ bí mật, nhưng hi vọng sẽ mang lại những điều thú vị cho mọi người”.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Hoạt động trưng bày hoa Anh đào đã được tổ chức nhiều lần và ở nhiều nơi nhưng lần này sẽ khác hơn là ngoài 10.000 cành hoa được mang từ Nhật Bản sang, phần trưng bày sẽ có cả những cây Anh đào đang ra hoa. Phần trang trí sẽ được kết hợp với một số loài hoa của Việt Nam, điều đó thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam – Nhật Bản một cách rõ nét hơn”.
Bên cạnh đó ông Động cũng cho biết thêm, rút kinh nghiệm từ những lễ hội hoa Anh đào đã được tổ chức, để tránh tình trạng hoa bị héo khi mang ra trưng bày thì quá trình vận chuyển hoa từ Nhật Bản sang phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt, kỹ lưỡng, hiện nay phía Sở đã tiếp nhận 10.000 cành hoa Anh đào và đang được giữ trong nhà lạnh. Vì hoa phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và khí hậu của Hà Nội, cộng với việc trưng bày trong một không gian mở nên việc trưng bày hoa chỉ kéo dài trong 2 ngày 19 và 20/3, đồng thời phía Sở VH&TT Hà Nội cũng đã lên phương án bảo vệ hoa trong quá trình diễn ra hoạt động trưng bày. Ông Động cũng chia sẻ, đây là một hoạt động văn hóa mang lại niềm vui cho người dân Thủ đô, nên mong rằng những người đến thưởng hoa cũng luôn đề cao ý thức để không có hiện tượng bẻ hoa, trộm hoa, giẫm đạp lên hoa…
Giải đáp thắc mắc về 200 cây Anh đào sau khi trưng bày sẽ được trồng tại Công viên Hòa Bình, TP Hà Nội, phía Nhật Bản và Sở VH&TT Hà Nội cho biết, những cây mang sang lần này được chọn ở địa danh phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Hà Nội, trong quá trình trồng có chuyên gia tư vấn từ phía Nhật Bản và sẽ bàn giao công nghệ chăm sóc cho phía Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản diễn ra tại Khu vực vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ có các hoạt động khác như giao lưu, tìm hiểu về trang phục, nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản; Cắm hoa nghệ thuật trên nền tảng sử dụng hoa Anh đào và một số loài hoa của Việt Nam; trình diễn văn hóa phi vật thể của Hà Nội như hát Ca trù, hát Xẩm, Chầu văn, Chèo cổ, biểu diễn nhạc dân tộc, biểu diễn võ thuật và múa lân rồng; triển lãm một số hình ảnh về di sản văn hóa của Việt Nam và Nhật Bản.
Cũng trong 2 ngày 19 và 20/3/2016, tại Trung tâm Văn hóa Kim Đồng (19 Hàng Bài, Hoàn Kiếm) sẽ diễn ra hoạt động chiếu phim hoạt hình Nhật Bản mang tên Lupin đệ tam: Lâu đài của gia tộc Cagliostro và bộ phim Panda Kopanda (gồm 2 tập). Vé được phát miễn phí tại Trung tâm Văn hóa Kim Đồng. Ngoài ra còn có buổi tọa đàm trao đổi hợp tác về đầu tư, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Sato Mitsugu – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa quốc tế Nhật Bản Wanokai cho biết: “10.000 cành hoa Anh đào được mang sang Việt Nam lần này là loài Anh đào đặc trưng nhất của Nhật Bản, những cành mà chúng tôi mang sang được lấy từ những gốc Anh đào lâu năm, hi vọng sẽ mang lại một vẻ đẹp hoàn hảo trong tiết trời xuân Hà Nội”.
Mùa hoa Anh đào tại Nhật Bản
Theo MaskOnline