Sáng 13/7, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm mỹ thuật “Từ Tính Tứ Linh”.
“Từ tính tứ linh” là bộ sưu tập tranh gồm 34 tác phẩm giới thiệu các linh thú trong văn hóa lịch sử Việt Nam, tập trung ở 4 triều đại tiêu biểu: Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Bắt đầu từ sự hình thành nghệ thuật Việt độc lập – Nhà Lý, từ giao ban chính trị, tiếp biến văn hóa và giao lưu hữu thức với nền nghệ thuật Champa, cho đến triều quân chủ cuối cùng – Nhà Nguyễn. Từ khi các linh thú bắt đầu xuất hiện, hoàn thiện về mặt thẩm mĩ, được thấy trong các kiến trúc và tác phầm điêu khắc, và dần trở thành một thực thể tồn tại gắn liền trong đời sống, tôn giáo tín ngưỡng người Việt. Từ tính là đại diện cho nét khoan hòa, dung dị, kín đáo và gần gũi với con người nhờ tín ngưỡng thờ tổ tiên, dung hoà giữa Phật giáo và Nho giáo. Ngoài tứ linh gồm Long – Lân – Quy – Phượng (Phụng), trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt còn xuất hiện nhiều linh thú khác. Đây sẽ là cơ hội để mọi người biết đến nhiều hơn về các câu chuyện, những sự tích, những quan niệm cổ xưa hình thành nên tín ngưỡng của tộc người Việt và còn lưu giữ cho đến ngày nay.
Tác giả Nguyễn Thanh Vũ cho biết qua gần 2 năm tìm hiểu và hơn 1 năm tập trung sáng tác, qua quá trình đi nhiều nơi, nghiên cứu kỹ lưỡng, nhìn ngắm, tưởng tượng những di sản ấy đã trải qua những điều gì và “Vũ đã vẽ những gì mình cảm nhận được. Theo đuổi trường phái hậu ấn tượng, không tập trung vào chi tiết mà tập trung vào màu sắc và bút pháp, Vũ đã thể hiện cảm xúc của mình qua từng tác phẩm và để cho chính đối tượng vẽ trong tranh tự thân nó là một nguồn nội lực để truyền năng lượng gián tiếp cho người xem. Đây là bộ sưu tập Vũ giới thiệu đến mọi người nêu lên quan niệm của người xưa, ý nghĩa của các linh thú Việt Nam tập trung ở 4 thời đại tiêu biểu là Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn; và ngoài ra còn có một số linh thú gần gũi trong dân gian, gần gũi với con người như chó, mèo, ngựa, voi… Hi vọng, đây sẽ là cơ hội để mọi người có thể biết nhiều hơn về những câu chuyện, những sự tích, những quan niệm cổ xưa mà trân trọng những giá trị mà ông cha ta đã xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay, để từ đó sẽ có những ứng xử khác đối với các di tích, di sản của tiền nhân để lại”.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cũng cho biết, đây là lần thứ 2, triển lãm cá nhân của Nguyễn Thanh Vũ được trưng bày tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tiếp nối bộ sưu tập “Kỳ ẩn Việt Nam”. Triển lãm “Từ tính tứ linh” lần này sẽ giới thiệu về các hình tượng linh thú trong văn hóa người Việt xưa đến nay. Triển lãm lần này là kết quả của sự sáng tạo mạnh mẽ của tác giả trong hành trình hơn 1 năm vừa qua. Đây là một người họa sĩ, một KTS đầy tài năng và tâm huyết, có một tinh thần yêu mến với di sản văn hóa hết sức mạnh mẽ. Và chính điều đó trở thành động lực cho tác giả đi đến rất nhiều miền quê của Tổ quốc và nghiên cứu rất là kỹ các giá trị của lịch sử, văn hóa. Và trong triển lãm này chúng ta sẽ được chứng kiến những sản phẩm kết tinh từ lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc. Những giá trị của lịch sử trong các triều đại của Việt Nam đã được hiển thị thông qua các hình tượng nghệ thuật trong triển lãm này hết sức độc đáo và thú vị. Và rõ ràng đây là cách nhìn của một họa sĩ trẻ về lịch sử, nó tạo nên những sáng tạo hấp dẫn cho những người trẻ để tiếp cận gần hơn với di sản, với văn hóa dân tộc.
Lịch sử là một dòng chảy với chính sử (những câu chuyện chính thống), huyền sử (những câu chuyện tâm linh huyền bí) và giã sử (những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian). Tác giả Nguyễn Thanh Vũ hi vọng hình tượng linh thú sẽ trở thành cầu nối, phản ánh dáng dấp của mỗi triều đại. Thông qua mỗi tác phẩm, người xem sẽ tiếp nhận thêm những tri kiến từ tiền nhân.
Triển lãm “Từ tính tứ linh” sẽ đón khách từ ngày 13/7/2024 đến hết 28/72024 tại Nhà Thái Học, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Số 58 phố Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Thúy Nga