Tin ngành

600 học viên tham gia Lớp bồi dưỡng kiến thức “Dàn dựng, biểu diễn Trống hội, Cờ hội”

Sáng 11/12, tại Hội trường lớn, Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức “Dàn dựng, biểu diễn Trống hội, Cờ hội” năm 2024.

Tham gia Lớp bồi dưỡng có 600 học viên là chủ nhiệm nhà văn hóa, câu lạc bộ nghệ thuật thôn, tổ dân phố các xã, phường, thị trấn; hạt nhân phong trào văn nghệ tại cơ sở.

Phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh nhấn mạnh: Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triền văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, thành phố đã có hướng chỉ đạo hết sức trọng tâm, quyết liệt về vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa từ cấp cơ sở đến cấp thành phố. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc tổ chức các lớp tập huấn Văn nghệ quần chúng năm 2024, Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức với chuyên đề dàn dựng Trống hội, Cờ hội đáp ứng nhu cầu trên cơ sở tình hình thực tế.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh phát biểu khai mạc

Theo Giám đốc Lý Thị Thúy Hạnh, năm 2024 diễn ra rất nhiều hoạt động, sự kiện lớn. Qua thực tế cho thấy các hoạt động gắn với lễ hội, các sự kiện chính trị trọng đại của Thủ đô và đất nước rất cần đến những đội Trống hội, Cờ hội, tạo không khí và bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống. Để chuẩn bị tốt cho năm 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, việc quan tâm đầu tư, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực trực tiếp, thiết thực cho hạt nhân phong trào co sở, chủ nhiệm các nhà văn hóa, câu lạc bộ sẽ có sức lan tỏa, tạo ra tinh thần chung trong hoạt động mang tính đồng bộ và bổ sung những gì còn thiếu, cần thiết cho nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa từ cấp cơ sở, đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa Thủ đô ngày càng phát triển.

Tại Lớp bồi dưỡng, các học viên được NSƯT Kiều Oanh – Đạo diễn sự kiện lễ hội, Nhà hát Tuồng Việt Nam và NSƯT Đức Mười – Nhà hát Tuồng Việt Nam hướng dẫn thực hành kỹ năng biểu diễn Trống hội, múa Cờ hội; hướng dẫn dàn dựng tiết mục biểu diễn Trống hội kết hợp múa Cờ hội.

Một số tiết mục biểu diễn Trống hội kết hợp múa Cờ hội

Từ những tiết mục biểu diễn Trống hội kết hợp múa Cờ hội cho giảng viên và học viên xem, giảng viên đưa ra ý kiến các đội trống cần học hỏi lẫn nhau, cùng trao đổi, nhận thấy những mặt được, chưa được để rút kinh nghiệm. NSƯT Kiều Oanh nhận xét: Đội trống có được tiết mục biểu diễn phục vụ khán giả là một sự khổ luyện, tập trung cao độ, vất vả của những người tổ chức chương trình, cũng như những người tham gia trực tiếp. Khi chúng ta bỏ công sức ra sẽ có hiệu quả nhất định và mang về cho địa phương mình giá trị văn hóa tinh thần lớn. Đa số các học viên ở độ tuổi đã cao nhưng vẫn rất cố gắng, thần thái thể hiện rất rốt. Các học viên đánh trống đệm phải chắc nhịp, bởi khi dàn trống đệm chắc thì trống bố mới yên tâm đánh tốt.

Đã ra biểu diễn thì thành viên đội trống dù ở tuổi nào cũng phải tươi cười, mắt nhìn theo tay sẽ có hồn hơn ở động tác múa. Có đội chân bước đi dài quá. Khi biểu diễn, các đội cố gắng có dàn Cờ hội cho hoành tráng. Bài trống phải thúc tiết tấu lên nữa, những động tác cần tập luyện thuần thục hơn. Có đội trống tiết tấu ban đầu hãy rút ngắn lại một chút. Gương mặt sáng ngời của những tay trống sẽ toát lên được tinh thần hân hoan khiến cho khán giả thấy thích thú, như được truyền cảm hứng. Các học viên nên tiếp thu, phát huy tinh thần ấy, bởi biểu diễn chưa cần biết hay, dở như thế nào nhưng khi chúng ta mang đến giá trị tinh thần là tiết mục thành công. Có đội nhiều nam giới tham gia đánh trống thấy mạnh hẳn lên, hào hùng hơn. Một số đội trống có được bài trống phong phú, sôi động, tạo sự hài hòa khi kết hợp thêm múa sinh tiền, chũm chọe…

NSƯT Đức Mười nhận xét: Các học viên múa rất thần thái, dù chưa đều nhưng phong cách biểu diễn rất tốt. Phải năng tập, đã là tập thể thì phải đẹp, tay giơ lên tầng nào đều tầng ấy. Có những động tác mềm mại, lại có những động tác khỏe khoắn, mạnh mẽ “có nhu, có cương”, tiết tấu Trống hội phải tưng bừng “Trống giong, Cờ mở”.

Các học viên rèn luyện bước chân đi lướt lướt cho đẹp, mềm mại, đừng đi theo kiểu tự do, động tác ngước mặt phải đều. Khi biểu diễn hạn chế việc rơi, đổ làm ảnh hưởng đến bài trống. Sắc thái cần tốt, nếu người bên cạnh đánh sai thì đừng để ý, cứ làm tốt phần việc của mình, tránh tình trạng lúng túng cả đội trống. Ở Trống hội tiếng hô “hây…hây…” cũng rất hiệu quả. Nếu đội trống hô đều sẽ tạo không khí sôi động luôn, nhưng phải hô to. Động tác đánh trống có những lúc phải dùng tiếng hô đấy, chứ không âm thầm đánh làm giảm khí thế…

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sức khỏe ngoài trời huyện Thanh Trì chia sẻ thông tin hữu ích về Lớp bồi dưỡng 

Được tham gia Lớp bồi dưỡng, bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sức khỏe ngoài trời huyện Thanh Trì chia sẻ: Đội trống huyện Thanh Trì có 150 thành viên, nhưng thường xuyên đi tham gia biểu diễn khoảng 120 người. Năm 2024, đội trống vinh dự được biểu diễn màn khai mạc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Lớp bồi dưỡng tổ chức như này là cơ hội để học viên huyện Thanh Trì nâng cao chuyên môn về dàn dựng, đạo diễn Trống hội. Dù có làm theo góc nhìn riêng của mỗi người, nhưng khi tham gia Lớp tấp huấn thì cái nhìn chung về bài trống sẽ đạt kết quả tốt hơn về kỹ thuật, yêu cầu, đội hình. Hầu hết thành viên đội trống huyện Thanh Trì đều tham gia Lớp tập huấn để thể hiện sự quan tâm, chuyên nghiệp, nghiêm túc, gắn kết thành viên.

Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, thành viên Câu lạc bộ Trống múa Bảo Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai cho biết: Câu lạc bộ có 20 thành viên. Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Lớp bồi dưỡng, các thành viên có dịp biết thêm kỹ năng dàn dựng, khi múa trống cần thổi hồn vào điệu múa, bài trống của mình. Các thành viên Câu lạc bộ mong được lĩnh hội kỹ năng tốt hơn, biểu diễn trống điêu luyện hơn để nhiều người biết đến Câu lạc bộ Trống múa Bảo Đà, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của địa phương.

Lớp bồi dưỡng kiến thức “Dàn dựng, biểu diễn Trống hội, Cờ hội” được tổ chức từ ngày 11 – 14/12/2024 tại Trung tâm Văn hóa Thành phố (Số 7 – Phùng Hưng – Hà Đông – Hà Nội)./.

Thảo Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *