Được “nhào nặn” bởi đội ngũ tài năng sản xuất Fast and Furious và London Has Fallen, ‘Mật vụ giải cứu’ không chỉ sở hữu dàn sao nổi tiếng tham gia mà còn được đầu tư bối cảnh cực kì hoành tráng khiến người hâm mộ không khỏi choáng ngợp.
Đặc biệt, các cảnh quay tại tàu ngầm khổng lồ – nơi diễn ra các diễn biến gay cấn nhất xuyên suốt bộ phim đã được nhà sản xuất dựng lên một cách chân thật đến không ngờ, bởi vậy những hé lộ thú vị về hậu trường của Mật vụ giải cứu (tựa gốc: Hunter Killer) chắc chắn sẽ đưa bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Đoàn làm phim được làm việc trực tiếp cùng các thành viên hải quân cấp cao
Điều thành công đầu tiên của Mật vụ giải cứu chính là tính thực tế cao khi đem đến cho khán giả một thế giới dưới đáy biến sâu thật sống động. Đây vẫn luôn là thử thách khó nhằn đặt ra dành cho các đạo diễn của dòng phim quân sự có trang bị vũ trang. Riêng đối với đạo diễn Donovan Marsh – người luôn cầu tiến trong việc đáp ứng thị hiếu của khán giả, không có gì chân thật hơn là được làm việc trực tiếp với các thành viên trong lực lượng Hải quân Mỹ, những người đã từng sống trên tàu, nắm rõ các quy trình thủ tục phức tạp ở đây đến từng “chân tơ kẽ tóc”. Vậy là ekip làm phim, từ đạo diễn đến các diễn viên, đều nhận được sự cố vấn bởi những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Thậm chí, một chuyên gia về tàu ngầm đã được cử ra để làm việc trực tiếp với các diễn viên sao cho đảm bảo lời thoại và các điều lệnh trong hải quân được chính xác nhất.
Gerard Butler (thủ vai thuyền trưởng Joe Glass) chia sẻ: “Tôi đã có quãng thời gian khó quên khi được tập luyện trực tiếp với lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, tôi được rèn luyện các bài tập về chiến đấu, lặn sâu, các bài về thể lực,… như một binh lính thực thụ”.
Tàu ngầm khổng lồ trong phim chính là một tàu ngầm hạt nhân thật sự
Thêm một điều may mắn cho đoàn làm phim Mật vụ giải cứu nữa là họ đã được đích thân các thành viên cấp cao trong Hải quân cho thuê một chiếc tàu ngầm hạt nhân thật sự để quay cùng với thủy thủ đoàn thật.
Lần đầu tiên trên màn ảnh rộng, một tàu ngầm lớp Virginia được xuất hiện một cách sống động đã khiến cho nhiều khán giả phải trầm trồ.
Lại thêm một lần nữa thuyền trưởng Joe Glass – Gerard Butler phải ấn tượng với những gì mà bộ phim đã đem lại: “Tôi đã được xuống một tài ngầm thật sự, tôi được đưa đi qua từng phần một. Ngoài sức tưởng tượng của tôi, chiếc tàu ngầm giống như một thành phố thu nhỏ khiến tôi choáng ngợp.”
Mô hình tàu ngầm khổng lồ được tái tạo chính xác đến từng chi tiết nặng hơn 35 tấn
Trong phim có những cảnh tàu ngầm lặn với góc nghiêng lên đến 50 độ hoặc rung lắc mạnh, có nghĩa là các diễn viên phải “ngã như thật” để bám víu vào đâu đó, điều đó sẽ không thể nào thực hiện được trừ khi diễn trong một môi trường được giả lập giống hệt. Vậy là mô hình tàu ngầm khổng lồ được ra đời, đó là một thiết bị ổn định có kết cấu thủy lực khổng lồ có thể nghiêng và lắc lư qua lại, nặng đến 35 tấn và có sức chứa đến 50 người.
Nhà sản xuất của Mật vụ giải cứu – John Thompson tiết lộ quá trình dựng lên được mô hình tàu ngầm khá gian nan: “Chúng tôi phải cử một đôi đến Trân Châu Cảng để lập bản vẽ chính xác của các tàu ngầm, sau đó tái tạo nó chi tiết thậm chí đến màu sắc của từng sợi dây cáp”. Khi quay phim trong mô hình này, các diễn viên được trải nghiệm đầy đủ các chi tiết: từ bản đồ hướng dẫn, màn hình kính tiềm vọng, cho đến các màn hình sóng siêu âm. Những bối cảnh “như thật” trong phim cộng hưởng với những chuyển động rung lắc đã giúp cho các diễn viên có thể thật sự cảm nhận và sống trọn vẹn với vai diễn của mình.
Mỗi thước phim từ trên không, mặt đất, đến dưới đáy biển sâu trong Mật vụ giải cứu đều được đầu tư và trau chuốt tỉ mỉ. Bằng cả tâm huyết và công sức của mình, ekip làm phim mong muốn đem lại cho khán giả những phút giây thật sự đắm mình, trải nghiệm một thế giới tàu ngầm sống động nhất.
Mật vụ giải cứu sẽ khởi chiếu ở Việt Nam vào ngày 30/11 và không dành cho khán giả dưới 18 tuổi.
Giao Linh
Theo MaskOnline