Văn hóa cơ sở

Ba Vì với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử

Được tạo hóa ban tặng cho một vùng đất có núi non, sông suối, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và kỳ vĩ, cùng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Ba Vì là địa phương đang lưu giữ một kho tàng di tích lịch sử văn hóa đa dạng, có số lượng di tích lớn nhất trong toàn thành phố Hà Nội, với 394 di tích các loại.

Trong đó có 106 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố. Nhắc đến các di tích nổi tiếng của Ba Vì, người ta nhớ ngay đến những cái tên: Tây Đằng, Thanh Lũng, Thụy Phiêu, Đông Viên, hay núi Tản, sông Đà, đền Thượng, đền Hạ, đền Trung…Trong đó có 3 ngôi đình cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thế kỷ thứ 16 là Tây Đằng, Thụy Phiêu, Thanh Lũng.

Đình Tây Đằng đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Đình Tây Đằng độc đáo ở nghệ thuật điêu khắc chạm trổ, trang trí được lưu lại trên các cột, vì kèo, xà, dấu, lá gió. Theo thống kê, đình Tây Đằng có  1.300 họa tiết chạm khắc với 1.300 cách thể hiện khác nhau, từ họa tiết kẻ liền bẩy bốn góc, kẻ liền bẩy vì chính, đến các đầu dư đầu duôi, xà thượng, các chồng rường, bát đỡ, câu đầu, chếnh xối,… Qua mỗi cảnh điêu khắc, nghệ nhân đã thể hiện được mong ước của nhân dân từ xưa đến nay: Mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu.

Đền Thượng – Ba Vì

Nhắc tới Ba Vì là nhắc tới hình ảnh núi Tản, ngọn núi kỳ vĩ, linh thiêng gắn liền với truyền thuyết về Sơn Tinh – đệ nhất phúc thần trong tâm thức của người Việt. Huyện Ba Vì có 75 điểm thờ Tản Viên Sơn Thánh, tập trung nhiều nhất ở vùng núi Tản, sông Đà- nơi được coi là điểm phát tích của truyền thuyết về Sơn Tinh. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp vùng xứ Đoài Ba Vì. Đặc biệt nhất là tại cụm di tích đền Thượng- đền Trung- đền Hạ thuộc địa phận hai xã Minh Quang và Ba Vì. Đền Thượng hay còn gọi là chính cung Thần Điện. Theo truyền thuyết và Ngọc phả, đền Thượng có từ thời An Dương Vương. Đền có vị trí và kiến trúc độc đáo, một mái lộ thiên lợp ngói và một mái ngầm dưới lòng tảng đá lớn nằm ở độ cao 1.227m bên sườn núi Ba Vì. Đền Trung hay còn gọi là Trung cung, tọa lạc ở lưng chừng núi Ba Vì. Đền thờ bà Ma Thị Cao Sơn, vị thần chủ cai quản núi Tản Viên, đồng thời cũng là mẹ nuôi của Đức Thánh Tản. Đền Hạ còn gọi là Tây cung, nằm dưới chân núi Tản, bên bờ sông Đà.

Với một hệ thống dày đặc các di tích lịch sử văn hóa, đình, đền, chưa kể các nhà thờ họ như vậy, Ba Vì là nơi bảo lưu rất nhiều giá trị văn hóa lịch sử của Thủ đô và cả nước. Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. 44 di tích lịch sử đã được trùng tu, tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn trong thời gian qua, như dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Cổ Đô với tổng mức đầu tư trên 21,5 tỷ đồng; Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Đồng Bảng, tổng dự toán gần 15 tỷ đồng; Dự án đình Đông Viên có tổng mức đầu tư được phê duyệt trên 29,9 tỷ đồng. Các dự án được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa là Nghi môn tứ trụ đền Hạ và một số hạng mục tại di tích đền Thượng. Ngoài ra, UBND huyện Ba Vì đã phân bổ 6 tỷ đồng cho công tác chống xuống cấp 8 di tích lịch sử bị xuống cấp ở các địa phương.

Lễ rước nước, dâng hương Đức Thánh Tản

Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời được đông đảo nhân dân ủng hộ và đóng góp tâm sức, thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử.

Để phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện, những năm qua, Ba Vì đã phục hồi thành công lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức ngày chính lễ vào 15 tháng Giêng tại cụm di tích Đền Thượng – Đền Trung – Đền Hạ. Mỗi kỳ lễ hội đã thu hút hàng vạn người dân trong vùng và khách thập phương tham dự. Từ năm 2018, Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại Ba Vì đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. UBND huyện Ba Vì còn phối hợp với Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội tiến hành kiểm kê di tích trên địa bàn huyện. Theo đó huyện có 394 di tích, có 106 di tích đã được xếp hạng. Mấy năm qua, UBND huyện Ba Vì đã đề nghị Sở VHTT lập hồ sơ trích ngang 12 di tích gồm: chùa Đồng Bảng xã Đồng Thái, đền Vù xã Vật Lại, chùa Ngạch xã Tiên Phong, đình – chùa thôn La Xuyên, xã Vạn Thắng, đình – chùa xóm Bắc, xóm Đông thị trấn Tây Đằng…

Quỳnh Anh

TT Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *