Gia đình

Du lịch văn hóa: Xu thế mới của Việt Nam?

​Du lịch văn hóa là xu hướng của các nước đang phát triển vì đem lại giá trị lớn cho cộng đồng xã hội, và vì thế mà loại hình du lịch này trở thành nội dung chính của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Đông Á – Thái Bình Dương.

Trên 150 đại diện của các nước ở khu vực châu Á, bao gồm Bộ trưởng và lãnh đạo các cơ quan du lịch quốc gia, sẽ tham gia Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Đông Á – Thái Bình Dương bắt đầu nhóm họp vào ngày 11/6 tại thành phố Huế, dưới sự chủ trì của Tổ chức Du lịch quốc tế và Tổng Cục Du lịch Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức hai năm một lần. Với chủ đề "Du lịch văn hóa và giảm đói nghèo", hội nghị năm nay sẽ là cơ hội để các nước chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về phát triển du lịch văn hóa và những ích lợi của hoạt động này đối với cộng đồng xã hội cũng như dân cư, nhất là giá trị của nó đối với việc xóa đói giảm nghèo ở những quốc gia đang phát triển.
Du lịch văn hóa: sự lựa chọn của các nước đang phát triển
Bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục… gần đây du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng… để tạo sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trên thế giới. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ.
Phần lớn hoạt động du lịch văn hóa gắn liền với địa phương – nơi lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa và cũng là nơi tồn tại đói nghèo. Khách du lịch ở các nước phát triển thường lựa chọn những lễ hội của các nước để tổ chức những chuyến du lịch nước ngoài. Bởi thế, thu hút khách du lịch tham gia du lịch văn hóa tức là tạo ra dòng chảy mới và cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.

Du lich van hoa Xu the moi cua Viet Nam
Hội nghị Bộ trưởng Du lịch sẽ nhóm họp tại Huế.

Ở những nước kém phát triển hoặc đang phát triển, nền tảng phát triển phần lớn không dựa vào những đầu tư lớn để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền, mà thường dựa vào nguồn du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc dân tộc. Những nguồn lợi này không tạo ra giá trị lớn cho ngành du lịch, nhưng lại đóng góp đáng kể cho sự phát triển của cộng đồng xã hội. Những quốc gia phát triển mạnh du lịch văn hóa là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, và một số nước thuộc khu vực Nam Mỹ….
Việt Nam cũng sẽ theo xu hướng này?
"Du lịch văn hóa là xu hướng của nhiều nước. Loại hình du lịch này rất phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, rất tốt cho hoạt động xóa đói giảm nghèo quốc gia, vì vậy phải được xem là hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam", một quan chức của Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Tổng Cục Du lịch phát biểu.

Du lich van hoa Xu the moi cua Viet Nam
Lễ tế đàn Nam Giao vào đầu thế kỷ XX.

Ở Việt Nam, nhiều hoạt động du lịch văn hóa được tổ chức dựa trên những đặc điểm của vùng miền. Chương trình Lễ hội Đất Phương Nam (Lễ hội văn hóa dân gian vùng Đồng bằng Nam bộ), Du lịch Điện Biên (Lễ hội văn hóa Tây Bắc kết hợp với sự kiện chính trị: 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ), Con đường Di sản miền Trung (Lễ hội dân gian kết hợp tham quan những di sản văn hóa được UNESCO công nhận)… là những hoạt động của du lịch văn hóa, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Trong số đó, Festival Huế được xem là hoạt động du lịch văn hóa đặc sắc nhất Việt Nam. Lễ hội được tổ chức thường xuyên 2 năm một lần, với sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp. Festival Huế 2004 là lần thứ ba VN có dịp giới thiệu với du khách về lễ hội dân gian của miền Trung, đặc biệt là Nhã nhạc cung đình Huế – một di sản phi vật thể vừa được UNESCO cộng nhận; và Lễ tế đàn Nam Giao – một lễ hội vương triều thất truyền từ hàng chục năm nay. Ngoài ra, lễ hội dân gian này còn có sự tham gia của các nước Pháp, Trung Quốc…
Lễ hội Festival Huế 2004 sẽ bắt đầu từ 12/6, tiếp nối Hội nghị Du lịch Bộ trưởng Đông Á – Thái Bình Dương năm nay; và kết thúc vào 20/6..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *