Văn hóa cơ sở

Tấm gương sáng của ngành Giáo dục Thủ đô

Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” của Thủ đô, không chỉ được nhiều thế hệ học sinh, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp kính trọng bởi tài năng, đức độ, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú (TS. NGƯT) Nguyễn Tùng Lâm còn có nhiều sáng kiến đóng góp thiết thực cho […]

Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” của Thủ đô, không chỉ được nhiều thế hệ học sinh, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp kính trọng bởi tài năng, đức độ, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú (TS. NGƯT) Nguyễn Tùng Lâm còn có nhiều sáng kiến đóng góp thiết thực cho nền giáo dục Thủ đô. Ông là một trong mười cá nhân tiêu biểu được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch hội tâm lý giáo dục học Hà Nội.

Nha gia Tung LamTiến sỹ – Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm

Năm nay, TS.NGƯT Nguyễn Tùng Lâm bước sang tuổi 72. Từ năm 1971 -1982 là Hiệu phó Trường cấp 3 Cao Bá Quát, bằng năng lực quản lý của mình, ông đã góp phần đưa trường trở thành lá cờ đầu các trường cấp 3 toàn quốc về thành tích học tập gắn với lao động sản xuất và giáo dục toàn diện. Trên cương vị Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội, năm 1993, ông khởi xướng cuộc vận động “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm” trong cán bộ giáo viên ngành giáo dục Hà Nội. Một năm sau, sáng kiến của ông được Bộ Giáo dục – Đào tạo nhân rộng trên cả nước….

Nhưng có lẽ, điều mà TS. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm tâm huyết, tự hào hơn cả chính là thương hiệu “trường Đinh Tiên Hoàng” mà ông đã dầy công vun đắp nên. Được thành lập năm 1989, đây là trường dân lập đầu tiên của Hà Nội nhằm giúp đỡ những học sinh yếu kém trong học tập văn hóa và rèn luyện đạo đức. Xác định điểm yếu, điểm mạnh của học sinh, TS. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm đã xác định mục tiêu của đơn vị: Xây dựng mô hình giáo dục đặc biệt không chọn lọc đầu vào nhưng phải đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, giúp đỡ những học sinh THPT Hà Nội gặp khó khăn về học tập và rèn luyện đạo đức; đồng thời ông đã định hướng cho các thầy cô giáo Đinh Tiên Hoàng luôn tôn trọng học sinh, tạo cho các em cơ hội để rèn luyện mình theo phương châm giáo dục “Nhân cách không chỉ được nghe và nói mà chủ yếu được hình thành nhờ sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân”. Bản thân ông đã nêu gương trong việc nỗ lực tự học. Từ thực tế quản lý, giáo dục học sinh ở ngôi trường Đinh Tiên Hoàng, ông đã hoàn thành Luận văn Thạc sỹ quản lý giáo dục (năm 1997) và Luận văn Tiến sỹ giáo dục học (năm 2003) về “Phối hợp các phương pháp giáo dục để khắc phục tình trạng học sinh yếu kém văn hóa và đạo đức ở học sinh THPT”. Không chỉ được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc, Luận văn của ông đã chứng minh sức sống mãnh liệt của khoa học tâm lý giáo dục khi được vận dụng vào thực tiễn. Đây cũng chính là con đường dẫn đến thành công của mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng- ngôi trường có nhiều nét đặc biệt mà nơi khác không có: Văn phòng tư vấn học đường (nơi tư vấn và trợ giúp cho học sinh có khó khăn về tâm lý, học đường; tâm lý và đóng góp ý kiến cho giáo viên, phụ huynh học sinh gặp khó khăn trong quá trình giáo dục học sinh), có biên chế chuyên trách để nghiên cứu tìm ra phương pháp phù hợp với học sinh Đinh Tiên Hoàng, có góc hút thuốc lá (chỉ học sinh nào đăng ký tự cai nghiện thuốc lá mới được hút thuốc và chỉ hút ở đó, với cam kết hút số lượng giảm dần), có 5 nguyên tắc ứng xử với học sinh cho các nhà giáo dục và cha mẹ học sinh…

Dong chiĐồng chí Trần Thị Thu Hà – Chủ tịch Công đoàn giáo dục Hà Nội tặng hoa chúc mừng Tiến sỹ – NGƯT Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng

Thực tế cho thấy, những nét mới này đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong giáo dục, quản lý học sinh, giúp các em thêm tiến bộ trong học tập, rèn luyện: hàng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt hơn 95%, trong đó có 8 khóa học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 98%. Năm học 2006-2007 là năm giáo dục cả nước thực hiện “nói không” với tiêu cực trong thi cử thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường vẫn đạt 95,5%. Có học sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia, có em được tuyển thẳng vào đại học. Nhiều khóa nhà trường có học sinh đỗ cao vào các trường đại học, có học sinh được giải thưởng Lý Tự Trọng, nhiều em đoạt giải cao trong các kỳ thi văn nghệ, thể dục thể thao của Thành phố, toàn quốc. Nhiều em đã thành công tại các các đơn vị công tác…

Thành công trong công tác giảng dạy, vai trò quản lý giáo dục, xây dựng mô hình giáo dục có chiều sâu nhân văn, chính là những chất men giúp TS. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm có những đóng góp cho khoa học giáo dục nước nhà những phương pháp mới, hiệu quả. Là Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội (từ năm 2003 đến nay) ông đã chủ trì 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Thành phố đều được xếp loại xuất sắc; tổ chức nhiều hội thảo khoa học, góp phần phát triển hình thức tư vấn tâm lý học đường, đẩy mạnh chương trình giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống trong các nhà trường phổ thông ở Hà Nội. Năm 2010, ông được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú

Với những đóng góp thiết thực cho nền giáo dục Thủ đô, TS. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương vì thế hệ trẻ, vì thành tích giáo dục học sinh, Bằng Lao động sáng tạo, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Bảng vàng vinh danh danh hiệu “Tri thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô”, 2 lần được vinh danh Người tốt việc tốt” thành phố Hà Nội…

Thu Vân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *