Di sản – Bảo tồn

Khơi nguồn sáng tạo từ các giá trị văn hóa truyền thống

Tiếp nối các hoạt động trong khuôn khổ Tuần Thiết kế Việt Nam 2021 (Vietnam Design Week), ngày 29/11/2021, tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban Tổ chức Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021 tổ chức Tọa đàm về Thiết kế “Đánh thức Truyền thống” nhằm trao đổi những nội dung về mối quan hệ giữa thiết kế với các giá trị văn hóa truyền thống.

Tham dự và trình bày tham luận tại Tọa đàm có ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Nhà thiết kế Vũ Thảo – Sáng lập và Giám đốc nghệ thuật của Kilomet109, thành viên Ban Giám khảo Vietnam Design Week; Nhà thiết kế Đinh Công Đạt; TS Lư Thị Thanh Lê – Giảng viên ngành Việt Nam học, Đại học Việt Nhật, Đồng sáng lập Liên minh Sáng kiến văn hóa Việt Nam cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế trẻ.

Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và trực tuyến trên fanpage Vietnam Design Week.

Tại cuộc Toạ đàm với chủ đề “Đánh thức Truyền thống”, NTK Vũ Thảo đã chia sẻ về vấn đề “Thiết kế trách nhiệm” với khẳng định: Thiết kế cần gánh thêm những trọng trách như đa dạng bảo tồn văn hóa, duy trì nền chế tác thủ công truyền thống, và ổn định kinh tế cũng như sinh kế địa phương. Trách nhiệm của thiết kế đang ngày càng được đẩy lên cao, quá trình chuyển đổi tích cực này ảnh hưởng trực tiếp đến bản chất của quá trình đổi mới và cấu trúc của các cộng đồng sáng tạo, cộng đồng chế tác. Nó mang tính gắn kết xã hội rất cao, thực hành thiết kế trách nhiệm có khả năng thu hút những nhà thiết kế trẻ, các kỹ sư, doanh nhân, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách để tạo ra những sản phẩm khác biệt thông qua các sản phẩm, dịch vụ và các giải pháp có hệ thống trong tương lai.

Với định hướng đưa di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thành một không gian sáng tạo, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia sẻ, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một không gian vô cùng quen thuộc với nhiều người, tuy nhiên, với một không gian quen thuộc ấy, những giá trị của di tích không phải lúc nào cũng được cảm nhận và thể hiện một cách rõ nét. Là một không gian xanh, cổ kính, thanh bình và yên tĩnh trong lòng đô thị sầm uất, bên cạnh không gian nội tự, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn bao gồm khu vực hồ Văn đang được chỉnh trang để trở thành một không gian văn hóa với nhiều hoạt động được tổ chức nhằm đánh thức những giá trị vẫn còn “ngủ quên” của không gian nơi đây. Khu vực nội tự cùng vườn Giám và hồ Văn sẽ trở thành một không gian tiềm năng cho các hoạt động sáng tạo, cùng với những giá trị về đạo học. Là một trong những nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thường xuyên đón tiếp nhiều đoàn ngoại giao cấp cao cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước, do đó, nhu cầu đổi mới của khách tham quan ngày càng cao hơn. Trước thực tế đó, theo ông Lê Xuân Kiêu, Trung tâm cần có những đổi mới mạnh mẽ hơn với 4 định hướng trọng tâm. Thứ nhất, Văn Miếu – Quốc Tử Giám phải trở thành trung tâm của các hoạt động văn hóa với những hoạt động định kỳ, thường xuyên xứng tầm. Thứ hai, Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ ứng dụng những công nghệ mới nhằm truyền tải những giá trị của di sản tới công chúng. Thứ ba, đẩy mạnh sự kết nối giữa di tích với các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Và cuối cùng, Văn Miếu – Quốc Tử Giám định hướng trở thành một không gian sáng tạo với 3 phương diện là: Không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo; Không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo; Không gian tạo cảm hứng cho sáng tạo.
“Và để đưa di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo một cách bền vững, điều đó rất cần sự hợp tác, đồng hành của nhiều chủ thể nhằm mở ra những hướng đi mới” – ông Lê Xuân Kiêu mong muốn.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành không gian tạo cảm hứng cho sáng tạo (tác phẩm tại Cuộc thi “Ký họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám”).

Tại buổi toạ đàm, các nhà khoa học, các đơn vị chuyên môn cũng đã gợi mở nhiều vấn đề liên quan tới chủ đề đánh thức truyền thống trong đời sống đương đại hiện nay như việc tiếp cận giá trị truyền thống của các nhà thiết kế trẻ; việc ứng dụng, sử dụng công nghệ trong thiết kế; mối quan hệ hợp tác giữa các chủ thể tham gia thiết kế các sản phẩm sáng tạo và sự đối thoại giữa các nhà thiết kế có nhiều kinh nghiệm với những nhà thiết kế trẻ… nhằm thúc đẩy sự sáng tạo trên nền tảng các di sản văn hóa.

Bình Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *