Tọa đàm thu hút đông đảo các nhà khoa học các chuyên gia tham gia Sáng 9/11, tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Kiến trúc sư Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá […]
Tọa đàm thu hút đông đảo các nhà khoa học các chuyên gia tham gia
Sáng 9/11, tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Kiến trúc sư Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Bảo tồn, phát huy giá trị Văn hóa truyền thống Phố cổ Hà Nội – Khó khăn và giải pháp”. Sự kiện thu hút đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Hội Di sản Văn hóa Thăng Long Hà Nội và các Hội nghề nghiệp đến tham dự.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, các chuyên gia đều cho rằng Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo, đa dạng và sinh động. Đó là tổng hòa giữa những kiến trúc nhà ở, các công trình tôn giáo, phố nghề, nếp sống người Hà Nội gắn với nó là các tập tục, lễ hội, gắn với các di tích, phố nghề…Từ nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thác và phát huy giá trị của phố cổ Hà Nội… tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ vẫn còn gặp nhiều thách thức
Các phố “hàng” của Hà Nội
Theo TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội, đặc điểm chung của khu phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”, tiếp đó là một từ chỉ nghề nghiệp… đến nay vẫn hiện hữu tuy sản xuất hàng thủ công không còn như xưa. Khác với các phố cổ trên thế giới, phố cổ Hà Nội diễn ra đồng thời nhiều hoạt động của đời sống xã hội, lưu giữ một kho tàng di sản với 121 di tích lịch sử – văn hóa phong phú của Thăng Long – Hà Nội, bảo tồn các nhà di sản tổ nghề cùng với một số phố nghề.
Khu phố cổ Hà Nội biến đổi và đời sống xã hội – dân cư cũng chuyển biến thích ứng theo sự phát triển Thủ đô. Song, vẫn bảo tồn những dấu tích truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, lễ hội, ẩm thực, nếp sống thanh lịch – hiện đại…Ngày nay, trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, lễ hội truyền thống ở khu phố cổ Hà Nội không còn diễn ra đầy đủ như thời xưa nhưng vẫn được cộng đồng duy trì các lễ hội ở cấp độ khác nhau, hấp dẫn người dân phố cổ và khách du lịch.
Theo Ths. Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội (khu 36 phố phường) là nhân tố quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội, là di sản đô thị vô cùng quý báu cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống đô thị hiện đại. Đặc trưng nổi bật của khu phố cổ Hà Nội là sự kết hợp hài hòa giữa nhà ở, các cửa hàng và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng (đình, đền, chùa), duy trì nếp sống, tập tục làm ăn và các hoạt động lễ hội gắn với các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu thờ Tổ nghề, hội chợ gắn với nghề truyền thống, các hoạt động kinh doanh sản xuất tại các phồ nghề đặc trưng…góp phần vào kho tàng văn hóa quý giá của Hà Nội. Nhiều năm qua, quận Hoàn Kiếm luôn xác định việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị chính là mục tiêu, là giải pháp, là động lực để quận phát triển theo hướng Thương mại – Du lịch – Dịch vụ một cách bền vững, từng bước triển khai có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của khu phố cổ Hà Nội.
TS.KTS. Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, từ năm 1985 khi “Khu 36 phố phường” Hà Nội được gọi là “Khu phố cổ” đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu và thí điểm thực hiện một số nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát triển khu phố này. Nhưng thực tế vẫn còn những vấn đề, cần được làm rõ những khó khăn và giải pháp để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.
Nguyên nhân còn khó khăn là sự đối nghịch giữa nhu cầu phát triển với yêu cầu bảo tồn không gian khu phố cổ, nhiều công trình xây mới có quy mô và hình thức kiến trúc phá hoại không gian truyền thống.
Từ thực tế đó, TS.KTS. Ngô Doãn Đức nêu ý kiến tôn tạo hình ảnh và không gian khu phố cổ thông qua quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đầy đủ, tính toán bổ sung các điểm hoạt động văn hóa để phục vụ tích cực cho việc phát huy văn hóa truyền thống phục vụ du lịch trong khu phố cổ; nghiên cứu lựa chọn vị trí một nhóm nhà để tái tạo hình ảnh nhà ống; xây dựng đủ hồ sơ để làm cơ sở quản lý cũng như chỉnh trang các tuyến phố; bổ sung và hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ khách du lịch; tạo cơ chế thích hợp để người dân tham gia đầu tư vào các dự án bảo tồn khu phố cổ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất những giải pháp khác để tạo nên sự hấp dẫn của khu phố cổ trong bối cảnh hiện nay như: Ngoài việc xây dựng quy hoạch chi tiết, cần chỉnh trang các tuyến phố một các đồng bộ hơn về mặt kiến trúc, đô thị như: vật liệu xây dựng, biển quảng cáo, biển số nhà…từ đó lựa chọn một số nhóm nhà tiêu biểu để khắc họa hình ảnh “mái ngói thâm nâu” để du khách hình dùng rõ hơn về nét đẹp truyền thống của phố cổ. Cùng với đó, cần phải kiên quyết hơn với việc khống chế chiều cao của các khu nhà, có giải pháp hạn chế phát triển những mặt hàng thông thường, thay vào đó là các mặt hàng có giá trị thẩm mỹ, giá trị truyền thống., chuyển đổi nghề, cần chọn mũi nhọn để ưu tiên bảo tồn… Điều quan trọng nhất là phải huy động được sự ủng hộ của người dân, để người dân chung tay gìn giữ, tôn tạo, phát huy các giá trị Văn hóa vật thể và phi vật thể tại phố cổ.
Thanh Mai