Chiều 1/12, Sở Văn hoá và Thể thao đã công bố danh mục 5.922 di tích lịch sử, văn hoá sau khi thực hiện kiểm kê di tích, đánh giá và phân loại từ năm 2013-2016 trên địa bàn Hà Nội.
Trong đó có 01 di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố, 3.487 di tích chưa xếp hạng.
Địa phương có nhiều di tích là huyện Thường Tín (440 di tích), Ứng Hòa (433 di tích), Ba Vì (394 di tích), Chương Mỹ (374 di tích), Phú Xuyên (345 di tích), Sóc Sơn (341 di tích)… Các địa phương có ít di tích tập trung chủ yếu là các quận nội thành như: Thanh Xuân (29 di tích), Ba Đình (47 di tích), Cầu Giấy (49 di tích), Hai Bà Trưng (51 di tích), Hoàn Kiếm (66 di tích)…
Sau khi công bố danh mục kiểm kê di tích, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã bàn giao số liệu, danh mục di tích cho các quận, huyện, thị xã quản lý theo quy định phân cấp quản lý nhà nước. Cũng tại buổi công bố và bàn giao danh mục di tích, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng triển khai quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, định kỳ hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phải tổng hợp số liệu về những biến động số lượng di tích để phục vụ công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, định kỳ 5 năm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện rà soát và trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố.
Việc kiểm kê, đánh giá di tích nhằm nhận diện giá trị, lập danh mục, nắm bắt hiện trạng về hệ thống di tích, trên cơ sở đó, góp phần xây dựng kế hoạch và định hướng cho các hoạt động trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý đánh giá, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh là nguồn sử liệu quý giá, minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội và của dân tộc. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội.
Đồng chí cũng khẳng định: “Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là sự cố gắng rất lớn của Sở VHTT và ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội”. Thay mặt UBND TP Hà Nội, đồng chí Ngô Văn Quý biểu dương sự cố gắng của Sở VHTT và Ban Quản lý di tích danh thắng.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa kho tàng di sản văn hóa này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ ra những việc giao Sở Văn hoá và Thể thao và các quận, huyện, thị xã cần phối hợp, thực hiện: Đó là cần thực hiện tốt quy chế đã ban hành; Trên cơ sở số liệu, danh mục được bàn giao, các quận, huyện, thị xã tiếp tục thông kê bàn giao cho các đơn vị cấp dưới, phòng Văn hóa thông tin, cấp xã phường, ban quản lý các di tích…; Rà soát, đánh giá thực trạng từng di tích để có kế hoạch tu bổ, tôn tạo, các địa phương cố gắng xử lý các di tích xuống cấp trong điều kiện hiện có; Những di tích đủ điều kiện xếp hạng thì phải hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thành phố, Bộ VHTTDL để triển khai đánh giá xếp hạng; Cần tăng cường xã hội hóa, tuy nhiên phải có nguyên tắc và quy trình; Cuối cùng là cần phát huy giá trị của các di tích như làm công tác tuyên truyền thu hút người dân đến thăm quan,
mỗi địa phương chọn từ một đến 2 di tích tiêu biểu và phối hợp với các ngành chức năng đưa các di tích này trở thành điểm đến hấp dẫn khách tham quan, góp phần giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước.
Di sản văn hóa thế giới tại Hà Nội: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội.
11 di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Hà Nội:
1/ Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc.
2/ Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Tây Phương.
3/ Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá Phượng Cách.
4/ Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tây Đằng.
5/ Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn KIếm và đền Ngọc Sơn.
6/ Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng.
7/ Di tích lịch sử Đền Hát Môn.
8/ Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng.
9/ Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa.
10/Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
11/Di tích lịch sử và khảo cổ Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội.
Thúy Nga
( MASK)