Di sản – Bảo tồn

Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận mô hình phục dựng cổng làng Mông Phụ của giáo sư Nhật Bản

Chiều nay, 16/3, Bảo tàng Hà Nội đã tiếp nhận mô hình phục dựng cổng làng Mông Phụ theo tỷ lệ 1/10 được làm bằng gỗ quý do GS.KTS Ejima Akiyoshi trao tặng.

Mô hình cổng làng Mông Phụ do GS Ejima Akiyoshi trao tặng

Cổng làng Mông Phụ đã có những dấu hiệu bị hư hại và được tu bổ năm 2008 trong dự án hợp tác Việt – Nhật. Trên cơ sở các số liệu đo đạc công phu, GS Ejima Akiyoshi đã phục dựng lại mô hình cổng làng Mông Phụ bằng loại gỗ quý bách hội của Nhật Bản và gỗ ramin (Đông Nam Á) làm cột tròn. Mô hình được phục dựng với kích thước 90, sâu 60, cao 63, bằng 1/10 kích thước thật, các cấu kiện rất chi tiết và có thể tháo ra, lắp vào phục vụ tập huấn tu bổ, giảng dạy.

GS.KTS Ejima Akiyoshi là người đã từng tham gia nghiên cứ và trùng tu một số công trình kiến trúc ở phố cổ Hội An, nhà cổ Bắc Ninh… Từ năm 2007 đến 2012, GS Ejima Akiyoshi là chuyên gia cao cấp hướng dẫn tu bổ nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm. Ông đặc biệt tâm huyết với dự án bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm. Ông đã sang hướng dẫn tu bổ làng cổ Đường Lâm 17 lần, lần ngắn nhất là 8 ngày, lần dài nhất là 7 tháng.

Ông Nguyễn Tiến Đà – GĐ Bảo tàng Hà Nội đón nhận mô hình cổng làng Mông Phụ từ GS Ejima Akiyoshi

Năm 2014, với những cống hiến và thành công đáng ghi nhận, ông và nhóm thực hiện dự án bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm đã được Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh, trao giải thưởng danh dự về bảo tồn di sản văn hóa năm 2013 khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Trong số 5 di tích của làng cổ Đường Lâm được UNESCO trao giải thưởng danh dự về bảo tồn di sản văn hóa năm 2013, đáng chú ý có có di tích cổng làng Mông Phụ. Đây là một trong những cổng làng cổ nhất Việt Nam, mang những nét kiến trúc độc đáo. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng từ thời Hậu Lê năm 1553 – thời vua Lê Thần Tông.

Hơn 10 năm qua, trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng cổ Đường Lâm, làng cổ Đường Lâm luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ Việt Nam và sự hợp tác giúp đỡ của chính phủ Nhật Bản. Cụ thể, đã có 17 công trình di tích và nhà cổ đã được tu bổ và sửa chữa. Thành quả nổi bật nhất của dự án là bảo tồn thành công 5 công trình có giá trị lớn về kiến trúc và văn hóa lịch sử của làng cổ Đường Lâm: Cổng làng Mông Phụ, Chùa Ón, nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh, nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng và của ông Hà Văn Vĩnh. Các công trình kiến trúc này đã bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí là có nguy cơ đổ sập. Theo đánh giá của UNESCO và chuyên gia Nhật Bản, dự án bảo tồn nhà cổ Đường Lâm thực sự trở thành mô hình mẫu cho nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa tại các vùng nông thôn khác ở Việt Nam trong tương lai.

Mô hình được phục dựng với kích thước bằng 1/10 kích thước thật, các cấu kiện rất chi tiết và có thể tháo ra, lắp vào phục vụ tập huấn tu bổ, giảng dạy

Trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm, đã có nhiều tổ chức, đơn vị quan tâm đến giá trị văn hóa của làng cổ độc đáo này. Trong đó, làng cổ Đường Lâm luôn nhận được sự quan tâm đầu tư, hợp tác của chính phủ Nhật Bản và đại diện là Cục Tài sản Văn hóa Nhật Bản, tổ chức JICA Nhật Bản và Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa.

GS.KTS Ejima Akiyoshi cho biết: “Trong một thời gian rất dài tham gia hoạt động tu bổ, bảo tồn các công trình kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam. Đặc biệt trong đó, thời gian tôi làm việc với làng cổ Đường Lâm rất là nhiều với tư cách là chuyên gia tu bổ kiến trúc do chính phủ Nhật Bản cử sang thì nhiệm vụ của tôi một mặt là hỗ trợ cho Việt Nam tu bổ các công trình kiến trúc bao gồm cả kiến trúc nhà ở dân gian lẫn kiến trúc tôn giáo, lịch sử. Tuy nhiên một mặt khác tôi nhận thấy trong quá trình truyền đạt các kinh nghiệm và kỹ thuật của Nhật Bản thì việc hỗ trợ để đào tạo cũng như nâng cao ý thức tu bổ của người dân và của các cán bộ địa phương cũng là một hoạt động chúng tôi cảm thấy có ý nghĩa. Và với ý nghĩa đó, trong thời gian vừa qua, tôi đã được tham gia tu bổ một số các công trình tiêu biểu của Đường lâm trong đó có cổng làng Mông Phụ.

Mặt trước và sau của cổng làng

Trong quá trình tu bổ một công trình kiến trúc hay một công trình nhà ở dân gian chúng tôi phải tuân thủ những bước tiêu biểu như: Thứ nhất điều tra lấy thông tin về công trình. Thứ hai là nghiên cứu, đo đạc hiện trạng công trình. Thứ 3 là quá trình quyết định những bước tiến hành tu bổ. Trong đó đặc biệt chúng tôi có một bước là dùng mô hình để có thể phục dựng lại những phần bị mất của bộ phận kiến trúc đó hoặc là cả công trình kiến trúc đó. Và thông qua mô hình đó lấy ý kiến của người dân để bổ sung những điểm mà các chuyên gia đã hình dung, từ đó đưa lại những hình ảnh phục dựng cho giống với phần mà bị mất một cách gần nhất, thật nhất. Nói một cách khác, bên cạnh các biện pháp tu bổ mà chúng ta đã biết từ hạ giải cho đến nghiên cứu đánh giá, sau đó phục dựng lại những bộ phận vẫn còn nguyên trạng hoặc những bộ phận còn có thể tu bổ lại được của kiến trúc thì trong phương pháp tu bổ còn có một biện pháp nữa là phục dựng lại những bộ phận đã bị mất của các công trình kiến trúc. Mà để làm được điều đó thì phương pháp thông qua mô hình hay phục dựng lại các mô hình để lấy ý kiến của người dân và trên cơ sở đó tìm ra được hình ảnh hay trạng thái gần gũi nhất với bộ phận kiến trúc đã bị mất được coi là một phương pháp khá là phổ biến của Nhật Bản.

Mô hình cổng làng Mông Phụ bằng loại gỗ quý bách hội của Nhật Bản và gỗ ramin (Đông Nam Á) làm cột tròn

Cụ thể đối với công trình cổng làng Mông Phụ trên thực tế trước khi tiến hành tu bổ thì kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy cấu trúc tường gạch, hệ thống cột gạch còn nguyên, hệ thống vì kèo và hàng cột gỗ vẫn còn nguyên. Tuy nhiên toàn bộ cửa, khung cửa cũng như là 2 cánh cửa đã bị phá dỡ để xe thô sơ có thể qua lại được. Vì vậy song song với việc tu bổ lại toàn bộ hệ thống gạch, hệ thống mộc, hệ thống nề của phần cổng vẫn còn nguyên vẹn thì chúng tôi cũng đã tiến hành dùng phương pháp mô hình hóa để phục dựng lại 2 cánh cổng đã bị mất cũng như toàn bộ khung cổng. Và trong quá trình phục dựng chúng tôi đã làm 1 mô hình tương tự như mô hình tặng cho Bảo tàng Hà Nội nhưng với kích cỡ nhỏ hơn, sau đó hỏi ý kiến của các cụ cao niên trong làng về mô hình mà chúng tôi hình dung”.

Việc tiếp nhận mô hình cổng làng Mông Phụ do GS.KTS Ejima Akiyoshi trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội bảo quản, lưu giữ và phát huy nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Làng cổ Đường Lâm trong đó có di tích cổng làng Mông Phụ. Đồng thời tăng cường nhận thức, vai trò và trách nhiệm của người dân Thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hoạt động này nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, tình hữu nghị cũng như sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thúy Nga

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *