Di sản

Cách tiếp cận mới trong giáo dục di sản tại di tích

Sáng ngày 16/5, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức “Tọa đàm về Giáo dục Di sản tại di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.

Chương trình được thực hiện với sự tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, cùng sự tham gia của mạng lưới nhiều bảo tàng, di tích và một số trường học tại Hà Nội.
Tọa đàm là buổi chia sẻ một số kinh nghiệm qua việc thực hiện thí điểm cách tiếp cận mới trong giáo dục di sản ở di tích và Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã triển khai năm 2015-2016.

Buổi tọa đmà có sự tham gia của đại diện các di tích lịch sử, các nhà trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Từ năm 2016, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám triển khai thí điểm cách tiếp cận mới trong giáo dục di sản ở di tích. Cách tiếp cận này đòi hỏi xây dựng các chương trình giáo dục gắn với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng tới các cấp học, khối lớp cụ thể.
Học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm mang tính chủ động, tích cực, sáng tạo thông qua một khung chương trình do cán bộ di tích thiết kế theo ba bước: trước tham quan, trong tham quan và sau tham quan.
Trước tham quan là hoạt động do giáo viên tổ chức tại lớp học, giúp học sinh chuẩn bị trước chuyến tham quan, trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với chương trình học của học sinh.
Trong tham quan là hoạt động tại di tích: cán bộ giáo dục hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế theo chủ đề.
Sau tham quan là hoạt động đặc biệt được chú trọng, đòi hỏi sự sáng tạo của học sinh và thầy cô giáo. Việc giáo viên định hướng đúng và khéo léo, linh hoạt bố trí và sắp xếp đủ thời gian sẽ giúp học sinh có được những sản phẩm sáng tạo sau một chuyến tham quan trải nghiệm.

Góc trưng bày, giới thiệu giáo cụ cùng các sản phẩm trong tiết học Giao dục di sản tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Chương trình giáo dục này hướng tới việc tổ chức cho học sinh đến tham quan di tích theo nhóm nhỏ. Với việc học tập, trải nghiệm di sản hiệu quả góp phần quan trọng trong việc hình thành các kỹ năng sống, đặc biệt là sự thích ứng, sự sáng tạo của học sinh.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Đây là phương thức hoạt động mới nhưng rất hữu ích, bởi lẽ trong quy trình giáo dục di sản cho các em học sinh ở tiểu học các em có một buổi thầy cô giáo giới thiệu  về di tích, sau đó đưa các em đến thăm di tích theo một chủ đề hẹp mà các em tìm hiểu, cuối cùng là thu hoạch bằng các sản phẩm rất cụ thể. Đây là chương trình giáo dục mới nhưng rất hiệu quả, là hoạt động mang tính gắn kết giữa nhà trường. So với phương thức cũ là học sinh chỉ ngồi trên lớp nghe thầy cô giảng các bài học về lịch sử, về di sản thì đây là phương thức đặc biệt hơn, vừa dạy vừa giới thiệu cho các em, vừa cho các em trải nghiệm tại di sản để các em có những nhận thức sâu sắc hơn về di sản… Từ mô hình này, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành giáo dục để nhân rộng trên toàn thành phố. Bởi lẽ, ở mỗi địa phương, mỗi làng quê, mỗi xã phường.. cũng có những di tích gắn liền với truyền thống lịch sử của quê hương. Thông qua phương thức giáo dục này, chúng ta sẽ góp phần giáo dục cho các em có nhận thức tốt hơn, hiểu biết hơn về những di tích ngay tại địa phương mình”.

ÔngTrương Minh Tiến –  Phó Giám đốc Sở văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, ngoài báo cáo đề dẫn, một số báo cáo chia sẻ một số kinh nghiệm qua việc thực hiện thí điểm cách tiếp cận mới trong giáo dục di sản ở di tích mà đơn vị đã triển khai năm 2015-2016. Đó là báo cáo của bà Lê Thị Thu Hương –  cán bộ phòng Nghiệp vụ Thuyết minh: “Quy trình xây dựng chương trình tham quan, trải nghiệm cho học sinh lớp 1”;  báo cáo của cô Nguyễn Diệu Thúy: “Tổ chức các hoạt động tham quan học tập tại di sản theo quy trình 3 bước (trước –trong – sau tham quan) cho học sinh”;  báo cáo của cán bộ phòng Nghiệp vụ Thuyết minh Đặng Anh Vân, của cô giáo Nguyễn Kim Toàn với chủ đề “Lớp học xưa”.

Những hình ảnh và các sản phẩm thu hoạch của các em học sinh được ghi lại và trưng bày tại buổi Tọa đàm:

Vy Vy

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *