Tin tức - Sự kiện

Ứng Hòa với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

  Trong những năm qua, huyện Ứng Hòa đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, từ đó đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện có […]

 

Trong những năm qua, huyện Ứng Hòa đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, từ đó đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực.

Ứng Hòa tổ chức lễ cưới tập thể cho các cặp vợ chồng trẻ

Là địa bàn có nhiều hoạt động lễ hội, toàn huyện có 143 lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm, 64 lễ hội truyền thống riêng, trong đó có lễ hội truyền thống Đền Đức Thánh Cả tọa lạc trên đất thôn Hữu Vĩnh xã Hồng Quang còn gọi là đền Thiên Vựng là lễ hội lớn, quy mô cả vùng. Hàng năm, huyện Ứng Hòa đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, của Thành phố, tổ chức các lễ hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, mang đậm dấu ấn lịch sử của địa phương, không có hành vi mê tín dị đoan, không vi phạm pháp luật. Theo đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội được coi trọng, hiện tượng đốt vàng mã, lên hương tại các lễ hội đã được hạn chế hơn trước. Việc chèo kéo khách du lịch, đặt tiền, ép giá tại các lễ hội cũng đã giảm thiểu. Phần lễ được tổ chức trang trọng kết hợp hài hòa giữa nghi lễ truyền thống và hiện đại. Phần hội, nhiều đơn vị đã tổ chức được các trò chơi truyền thống dân gian mang dấu ấn đậm nét của quê hương, góp phần khai thác, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, vui chơi giải trí của đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Đặc biệt, các địa phương đã duy trì và khôi phục tốt các lễ hội truyền thống trong lễ hội có hát chèo ở các xã Cao Thành, Sơn Công, Đại Cường và hát chầu văn Đồng Tân, đồng thời với nhiều trò chơi dân gian, như: Kéo co, đua thuyền, hát chèo, chời cờ người, cờ tướng, cờ vua, chọi gà… Đặc biệt, công tác xã hội hoá trong các hoạt động lễ hội được phát huy, kinh phí tổ chức nhiều hoạt động tại lễ hội chủ yếu do nhân dân và du khách thập phương đóng góp. Thông qua các lễ hội đã phát huy tốt vai trò giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần tích cực xây dựng đạo đức nhân cách, ý thức trách nhiệm người công dân trên địa bàn…

Múa Rồng trong Lễ hội truyền thống

           Đối với việc cưới, Huyện đoàn Ứng Hòa đã phát huy vai trò nòng cốt trong triển khai xây dựng mô hình và tổ chức các đám cưới theo mô hình “5 không” không mời thuốc, không uống rượu say, không đánh bạc ăn tiền, không đánh cãi chửi nhau, không mở loa đài to từ 22 giờ hôm trước đến 7 giờ hôm sau. Đồng thời, các đoàn thể phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn, xóm; gặp gỡ các gia đình, đôi nam nữ chuẩn bị tổ chức đám cưới để vận động, tuyên truyền thực hiện cưới văn minh, tiết kiệm. Kết quả, nhiều gia đình và bạn trẻ đã tổ chức cưới bằng việc giảm tiện. 100% số đám cưới thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình với các nghi lễ được tổ chức trang trọng, thủ tục đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo vui tươi, đầm ấm. Hầu hết các đám cưới đã hạn chế mời khách thuốc lá, ít xảy ra tình trạng uống rượu say gây rối an ninh trật tự, đánh bài sát phạt nhau… Điều đáng nói là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong huyện đã nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu trong việc cưới bằng việc mời khách có chọn lọc, không mời vào giờ làm việc, không ăn uống linh đình. Đặc biệt, năm 2016, huyện đã tổ chức Lễ cưới tập thể theo tinh thần Chỉ thị 11/CT-TU của Thành ủy Hà Nội với chủ đề: “Người Ứng Hòa xây dựng nét đẹp văn hóa cưới” cho 9 cặp đôi trên địa bàn huyện. Trong năm, toàn huyện ước có 1.554 đám cưới thì trong đó có 1.476 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh.

Trong việc tang, hầu hết các xã, thị trấn đã thực hiện tốt các quy định của Nhà nước và Hương ước của thôn, xóm trong việc tổ chức đám tang, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể tại thôn, xóm như MTTQ, Hội CCB, NCT, Phụ nữ trong thành phần ban tang lễ. Đa số các đám tang đã thực hiện đúng quy định, giảm các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, mất vệ sinh trong việc khâm liệm, đưa tang và chôn cất, cải táng, không sử dụng nhạc hiếu sau 22h và trước 5h sáng. Các đám tang không kéo dài quá 2 ngày, không tổ chức ăn uống đãi khách rộng. Các hủ tục mê tín dị đoan như lăn đường, yểm bùa, khóc mướn… đã được xóa bỏ; các nghi lễ diễn ra phù hợp với thuần phong mỹ tục, hương ước, quy ước của địa phương và quy định của pháp luật. Trong các đám tang đã giảm số vòng hoa, bức trướng đắt tiền gây lãng phí. Khi đưa tang, các đám đã tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, giảm tình trạng rắc tiền thật, rải vàng mã, tiền âm phủ trên đường đưa tang… Các nghĩa trang đã được xây dựng theo quy hoạch, đảm bảo tiện lợi cho việc chôn cất, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang. Đặc biệt, tỷ lệ gia đình thực hiện hình thức hỏa táng tăng dần theo từng năm, riêng năm 2016, toàn huyện đã có 328/1.173 đám tang được hỏa táng…

Có thể khẳng định, việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Ứng Hòa những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn, nâng cao nhận thức cho người dân.

 

Thành Công

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *