Di sản – Bảo tồn

Tọa đàm khoa học thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú

Các ý kiến, tham luận đã tập trung làm rõ thêm về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến, đóng góp của đồng chí Trần Phú trên cương vị là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; đưa ra những kiến giải về những đóng góp của đồng chí trong bối cảnh lịch sử đương đại…

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024) – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 23/8/2024, tại Ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm, Ban Quản lý Di tích danh thắng (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) tổ chức Tọa đàm khoa học “Thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú”.

Trước khi bước vào Tọa đàm, các đại biểu đã thành kính dâng hương trước tượng đài đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú và tham quan trưng bày chuyên đề “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam”.

Các đại biểu làm lễ dâng hương và tham quan trưng bày chuyên đề “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam”

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại thành An Thổ, thôn Long Uyên, tổng Hạ, phủ Tuy An (nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên); nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí  Trần Phú bắt đầu từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường tại Huế, sau đó là những năm tháng đứng trên bục giảng Trường tiểu học Cao Xuân Dục, những hoạt động trong Hội Hưng Nam, Tân Việt cách mạng Đảng và Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Ở Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chọn lý tưởng cộng sản làm mục tiêu của đời mình và cống hiến trọn đời cho lý tưởng ấy đến hơi thở cuối cùng. Đầu tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí về nước hoạt động. Tháng 7/1930, đồng chí được bổ sung vào Ban chấp ủy lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Sau khi khảo sát tình hình thực tế và trao đổi với các đồng chí trong Ban Chấp ủy, đồng chí đã chấp bút Luận cương chính trị của Đảng ngay trong tầng hầm ngôi nhà của một quan chức  thực dân Pháp ở phố Giăng Xô – Lê (nay là số nhà 90 phố Thợ Nhuộm, thành phố Hà Nội).

Quang cảnh Tọa đàm

Cống hiến lý luận của Bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đại của giai cấp vô sản và Đảng của giai cấp vô sản; tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế đối với cách mạng Việt Nam; xác định cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền.

Với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú trực tiếp điều hành công việc của Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Sài Gòn được hơn 5 tháng. Cũng tại Sài Gòn, Trung ương Đảng mà đồng chí Trần Phú là người lãnh đạo cao nhất đã triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 2 vào tháng 3/1931 để đánh giá sự phát triển của phong trào cách mạng trên cả nước. Ngày 18/4/1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị địch bắt ở Sài Gòn. Sống trong điều kiện hết sức nghiệt ngã của kẻ thù, đồng chí Trần Phú vẫn một lòng son sắt thủy chung với Đảng. Trong ngục tối của kẻ thù vẫn mãi sáng ngời khí tiết của một chiến sỹ cách mạng bất khuất, kiên trung. Trước giờ vĩnh biệt đồng chí, đồng bào, đồng chí Trần Phú đã truyền lại khí phách của người cộng sản Việt Nam, dồn toàn bộ tâm huyết, trí lực vào một lời vừa cao thượng, ngắn gọn, súc tích, đủ sức lay động mọi trái tim của đồng chí đồng bào trong cuộc đấu tranh “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Trong lời điều của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tại lễ truy điệu và di dời hài cốt của đồng chí Trần Phú, cố Tổng Bí thư của Đảng, đã nêu rõ:  “Phẩm chất cộng sản kiên trung và khí tiết lẫm liệt của đồng chí Trần Phú trước kẻ thù là tấm gương cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do cho dân tộc, ấm no cho nhân dân”. Tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí Trần Phú vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản sống mãi trong trái tim các thế hệ mỗi người Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc ban Quản lý Di tích danh thắng nêu rõ: Trong buổi Tọa đàm này, Ban tổ chức mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học và các quý vị đại biểu có những đóng góp thực tế về di tích Ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm- một trong những di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô Hà Nội- nơi đồng chí Trần Phú đã dự thảo bản Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng để ngõ hầu giúp những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích có cái nhìn thấu triệt; để các nhà trường mang tên đồng chí Trần Phú giáo dục tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hiện sinh”.

 

Tiến sỹ Phạm Mai Hùng phát biểu tại Tọa đàm

Giáo sư Lê Văn Lan phát biểu tại Tọa đàm

Tọa đàm khoa học “Thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú” đã nhận được 9 ý kiến đóng góp, tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học: Giáo sư Lê Văn Lan, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, Tiến sỹ Phạm Mai Hùng (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam); đại diện Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò; cán bộ Ban Quản lý di tích Trần Phú (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)…

Các ý kiến, tham luận đã tập trung làm rõ thêm về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến, đóng góp của đồng chí Trần Phú trên cương vị là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; khẳng định những cống hiến của đồng chí Trần Phú, những phẩm chất của đồng chí Trần Phú; đưa ra những kiến giải về những đóng góp của đồng chí trong bối cảnh lịch sử đương đại; các tham luận đã kế thừa các tư liệu lịch sử, các kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu khoa học; kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học; của quê hương và nơi sinh ra của đồng chí Trần Phú. Bên cạnh đó, có nhiều sáng kiến để Ban Quản lý Di tích danh thắng tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phát huy giá trị của di tích.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu tham dự Tọa đàm để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, thiết thực thực hiện Chương trình 06- Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nghuồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”  và Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đức Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *