Di sản – Bảo tồn

Huyện Đông Anh thực hiện tốt Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy trong lĩnh vực di sản Văn hóa phi vật thể

Những năm qua, huyện Đông Anh là địa phương luôn làm tốt công tác giữ gìn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể.

Nhắc đến Đông Anh là nhắc tới Cổ Loa – mảnh đất từng hai lần được chọn là kinh đô nước Việt. Đó là kinh đô Cổ Loa thời An Dương Vương (năm 208 – 179 trước Công nguyên) và tiếp tục được chọn làm kinh đô sau khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938) và xưng vương.

Toàn huyện Đông Anh hiện có 413 di tích lịch sử – cách mạng, tôn giáo – tín ngưỡng. Trong đó, 134 di tích đã được xếp hạng. Tiêu biểu trong số này có cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt Cổ Loa và 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia khác…

Những năm qua, huyện Đông Anh là địa phương luôn làm tốt công tác giữ gìn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể. Từ khi có Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025,  huyện Đông Anh đã triển khai và phát huy hơn nữa các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.

Hơn 4 năm qua, Đông Anh đã làm tốt công tác kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể, theo đó, huyện đã đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội Cổ Loa, Rối nước Đào Thục. Ngoài ra, di sản văn hoá phi vật thể ca trù Lỗ Khê đã được Đông Anh đưa vào danh mục cần được bảo vệ khẩn cấp.

Huyện cũng rất chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các bộ môn nghệ thuật truyền thống trên địa bàn như tuồng, chèo, múa rối…Huyện Đông Anh đã thành lập 5 Câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống theo Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội, gồm: CLB Ca trù Lỗ Khê, CLB Chèo Dục Tú, CLB Tuồng Xuân Nộn, CLB Nghệ thuật truyền thống và CLB Rối nước Đào Thục (Thuỵ Lâm)….Các CLB nghệ thuật truyền thống này không chỉ tích cực biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương mà còn góp phần thu hút khách du lịch. Đặc biệt, CLB Rối nước Đào Thục ở xã Thụy Lâm nhiều năm nay luôn là địa chỉ hấp dẫn cho khách quốc tế và cả nước đến xem và tim hiểu.

Hàng năm huyện Đông Anh đều có chính sách hỗ trợ về kinh phí và nghiệp vụ cho các CLB truyền thống, nhất là việc mở các lớp tập huấn, truyền dạy nghề. 21 lớp học với 466 học viên đã được thực hiện trong những năm qua. Đáng lưu ý, 6 tháng đầu năm 2024, các CLB nghệ thuật: Tuồng – Chèo Cổ Loa, Chèo Vân Hà, Chèo Dục Tú đã tổ chức được  4 lớp tập huấn, với trên 200 học viên tham gia.

Các di sản văn hóa phi vật thể luôn được huyện Đông Anh quan tâm, giữ gìn

Công tác vinh danh, ghi nhận đóng góp của các nghệ nhân có công bảo tồn, truyền dạy các bộ môn nghệ thuật truyền thống luôn được huyện Đông Anh chú trọng. 14 nghệ nhân – Nguồn nhân lực quan trọng trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể ở địa phương đã được đề nghị và đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong thời gian qua, thể hiện sự quan tâm của địa phương với văn hóa.

Thời gian tới huyện Đông Anh sẽ tiếp tục triển khai lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTT đưa Lễ hội Kén rể thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, chính quyền và Nhân dân huyện Đông Anh đang đề nghị đưa Lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô ở Cổ Loa trở thành Lễ hội văn hóa truyền thống hằng năm, cùng với việc tổ chức kỷ niệm sự kiện đức Vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa.

Minh Tuấn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *