Dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sáng 8/10, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày chuyên đề “Bàng ơi!” thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Trưng bày giới thiệu câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, bàng nơi đảo xa và bàng trong thơ ca, hội họa… Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sĩ đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cống hiến cho công cuộc giải phóng Thủ đô.
Trưng bày giới thiệu 2 nội dung: “Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò”; “Bàng ơi!”
Ở nội dung “Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò”: Trưng bày thể hiện, trong Nhà tù Hỏa Lò, những cây bàng là “người bạn” gần gũi, thân thương, đồng hành và gắn bó mật thiết với đời sống của tù chính trị. Bàng âm thầm giúp người tù vượt lên những khắc nghiệt chốn “địa ngục trần gian”. Dưới tán bàng trăm tuổi, bao cảnh vật, con người đã đổi thay, nhưng dấu tích thời gian vẫn in hằn trên những thân cây chưa bao giờ cạn khô nhựa sống. Bàng vẫn đứng đó, mang theo ký ức về các cuộc đấu tranh nơi ngục lửa, kể những câu chuyện của lòng biết ơn cho thế hệ hôm nay.
“Cây bàng hiệp sĩ”: Được gọi trìu mến như thế, có nguồn gốc từ việc vào trước năm 1930, những tù nhân Hỏa Lò phải lao dịch ở tòa án, đã có sáng kiến bứng về một cây bàng non và xin được trồng trong sân Nhà tù để lấy bóng mát. Thấy có lợi, giám ngục cho trồng thêm những cây bàng tại các khu sân trại giam. Theo thời gian, bàng lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò.
Những cây bàng thầm lặng góp phần không nhỏ lập bao chiến công trọng cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù. Từ lá, cành, thân, quả bàng đều được người tù trân quý, tận dụng để phục vụ cuộc sống sinh hoạt. Bàng không chỉ che mát, mà còn gắn bó, nuôi sống, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho hàng nghìn chiến sĩ nơi “địa ngục trần gian”.
Gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật của tù nhân. Gốc bàng ở sân trại nữ còn là “sân bay” của những chuyến hàng (đồ tiếp tế, bánh, kẹo, thuốc lào…) từ bên ngoài đáp vào. Tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi được ra sân, ngồi trao đổi, trò chuyện quanh gốc bàng, tù chính trị đã bàn bạc việc thành lập chi bộ, hình thành các tổ chức quần chúng, đề ra các phương án, kế hoạch đấu tranh trong Nhà tù Hỏa Lò.
Cành bàng rụng xuống, qua bàn tay khéo léo đẽo, gọt của tù nhân đã trở thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, nhạc cụ. Tù chính trị còn dùng vỏ bàng để sắc nước uống, chữa bệnh đường ruột rất hiệu quả.
Lá bàng là nguồn dược liệu quý bảo vệ sức khỏe tù chính trị. Mỗi khi được ra sân, tù chính trị thường tìm cách hái vội những búp bàng non hay lá bánh tẻ lén giấu trong người, ngậm trong miệng để đem về phòng giam chia cho các bạn tù. Lá bàng non dùng để chữa bệnh đường ruột, lá bàng bánh tẻ dùng để chườm lên vết thương cho bớt đau nhức.
Quả bàng được coi là “thần dược”, “nguồn vitamin”, “thuốc bổ”. Quả bàng chín được tù nhân nhặt lấy gửi cho Ban sinh hoạt, rồi chia cho những đồng chí đau ốm cần sớm phục hồi sức khỏe.
Cây Bàng trong sân trại nữ: Được trồng vào đầu xuân năm 2001, khi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đến thăm hỏi các cựu tù chính trị và tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã trồng cây bàng làm kỷ niệm. Hơn 20 năm trôi qua, cây bàng non giờ sum suê, tỏa bóng mát, trở thành điểm nhấn, nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều trưng bày chuyên đề.
Sản phẩm đặc trưng từ bàng: Bàng gắn bó với nhiều thế hệ tù chính trị Hỏa Lò, làm sao để sắc bàng mãi xanh tươi? Đó là nỗi niềm trăn trở của những người trân quý và hiểu bàng. Những sản phẩm mang thông điệp giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, giàu tính nhân văn và chỉ riêng có tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã ra đời, vừa gần gũi, giản dị mà cũng rất thân thương.
Đó là, những thức quà bàng trong các chương trình “Đêm thiêng liêng” được tổ chức tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, như: Trà bàng lá nếp, bánh lá bàng, thạch bàng, chè bất khuất… Với nguồn cảm hứng từ bàng, cán bộ đơn vị còn sáng tạo ra: Trà sữa thạch bàng; khung ảnh lá bàng in hình cổng chính Nhà tù Hỏa Lò; những lá bàng in thơ do các chiến sĩ cách mạng sáng tác…
Ở nội dung “Bàng ơi!”: Trưng bày thể hiện, đối với người Việt Nam, bàng rất thân quen, gần gũi. Bàng xuất hiện trong những câu hát, vần thơ… Nơi hải đảo xa xôi, bàng trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của tù chính trị Nhà tù Côn Đảo, của chiến sĩ hải quân.
Bàng nơi biển đảo: Khác với bàng trong đất liền, những cây bàng mọc nơi biển đảo có lá màu thẫm, gốc rộng, vỏ xù xì và gân guốc hơn. Không ai biết bàng hiện hữu trên đất Côn Đảo từ bao giờ, nhưng, dường như những bão táp, phong ba đã nuôi dưỡng bàng thêm hiên ngang, cứng cáp. Bàng có ở khắp nơi, trong sân vườn, bên bờ biển, trong sân các trại giam Nhà tù Côn Đảo… Những cây bàng cổ thụ góp phần tạo nên không gian trầm mặc, cổ kính trên mảnh đất thiêng.
Dưới gốc bàng là nơi kẻ thù thực hiện những màn tra tấn man rợ đối với người tù, nơi diễn ra những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của tù nhân chống lại chế độ giam cầm hà khắc. Những hốc cây là “hòm thư” bí mật, nơi tù chính trị cất giấu tài liệu, truyền đơn và báo tin cho nhau bằng ám hiệu riêng. Lá bàng, quả bàng và vỏ cây là nguồn thực phẩm, vị thuốc quý giá cứu sống tù nhân, để tiếp tục đấu tranh và nuôi hy vọng.
Cùng với những cây bàng Côn Đảo, cây bàng vuông cũng tạo nên vẻ đẹp, giá trị riêng có của bàng nơi biển xa. Ở nước ta, bàng vuông có ở các đảo: Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Vì vậy, cây bàng vuông còn được gọi là cây bàng biển hay cây bàng Trường Sa.
Bàng trong âm nhạc, văn hóa và thơ ca: Đã từ lâu, bàng là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều văn nghệ sĩ Việt. Trong đời sống thường nhật, không khó để trông thấy những bức họa, nghe thấy những ca từ, đọc được những lời thơ chứa đựng kỷ niệm, hồi ức của tác giả về những cây bàng nơi góc phố, sân trường, làng quê… Âm điệu, sắc màu trong những tác phẩm ấy cũng giống hình ảnh những cây bàng mộc mạc, bình dị mà rất thơ.
Trưng bày còn giới thiệu những sự thật thú vị về bàng, như: Mầm bàng xoắn ốc, công dụng chữa bệnh của bàng, cây bàng có tuổi thọ lớn nhất tại Việt Nam… tạo nên một không gian trải nghiệm về sự sống động của bàng.
Trưng bày được thiết kế theo bảng màu chủ đạo với sắc xanh – vàng, lấy cảm hứng từ những gam màu của lá bàng. Điểm nhấn trong Trưng bày là những cây bàng được minh họa theo sắc bàng bốn mùa trong năm: Mùa xuân mơn mởn, mùa hè xanh mát, mùa thu ngả vàng, mùa đông chuyển đỏ. Trong Trưng bày còn có không gian mô tả cây bàng 3D, nơi giới thiệu các sản phẩm lưu niệm về bàng tại Di tích Nhà tù Hoả Lò.
Trưng bày thu hút sự quan tâm của du khách
Tham quan Trưng bày chuyên đề “Bàng ơi!”, ông Nguyễn Hà Long, 85 tuổi, cựu tù binh Trại giam Phú Quốc chia sẻ, ông rất vui khi Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò có nhiều sáng kiến đi sâu thêm vào những đề tài ngày xưa với mong muốn lan tỏa rộng rãi. Ở Hỏa Lò có cây bàng như “chứng nhân lịch sử” là dịp để kể lại những câu chuyện thực tế vô cùng ý nghĩa. Với các tù nhân, những lúc ốm đau mà có được lá bàng, vỏ bàng, quả bàng, dùng làm thuốc thì rất quý hóa, cứu cánh lúc ốm đau. Trải qua biết bao gian khổ, khó khăn, ông càng thấm thía, thấu hiểu và thêm trân quý những cây bàng. Trong không khí của những ngày kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, ông muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ rằng, có được hòa bình, hạnh phúc như hôm nay là nhờ sự đóng góp, hy sinh to lớn của cha anh đi trước. Thế hệ trẻ học tập tốt, lao động tốt để dựng xây quê hương, đất nước cũng là cách thể hiện lòng biết ơn.
Ông Nguyễn Hà Long, cựu tù binh Trại giam Phú Quốc chia sẻ
Em Vương Thùy Dung, sinh viên năm ba, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ, em rất yêu thích lịch sử, trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, em đã đi xem hầu hết các sự kiện rồi. Hôm nay, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, em rất ấn tượng với Trưng bày chuyên đề “Bàng ơi!”. Lúc đọc thông tin trên các phương tiện truyền thông thì em cũng chưa hình dung ra Trưng bày sẽ như thế nào, em nghĩ đơn giản chỉ là cây bàng mà thôi.
Em Vương Thùy Dung, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ
Đến đây em được giải đáp rất nhiều bởi không chỉ là cây bàng đơn thuần trong Nhà tù Hỏa Lò, mà còn đóng góp thầm lặng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đây là một trong những hoạt động lan tỏa lịch sử rất thú vị cho các bạn trẻ. Em sẽ tiếp tục quan tâm, theo dõi những trưng bày ý nghĩa tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò để tìm hiểu thêm kiến thức, cũng như hiểu rõ hơn lịch sử dân tộc. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để góp sức xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.
Trưng bày chuyên đề “Bàng ơi!” ra mắt từ ngày 8/10 – 31/12/2024 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)./.
Mai Phương