Lễ hội đền Bắc Lãm tổ chức từ ngày mùng 5 đến mùng 6 tháng Giêng hàng năm với các hoạt động tế lễ ở đình, quán, đền để tưởng nhớ công đức của nhị vị Thành hoàng. Bên cạnh lễ hội chính, Nhân dân còn tổ chức lễ tế vào ngày 20 tháng 8 âm lịch – ngày hóa của Đức Thánh Trần…
Đền Bắc Lãm (hay còn gọi là đền Vẽ) tọa lạc ở cuối làng Bắc Lãm, phường Phú Lương, quận Hà Đông. Đền thờ nhị vị nhân thần nổi tiếng đời nhà Trần là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và con rể của Ngài – danh tướng Phạm Ngũ Lão.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” của Nhà sử học Ngô Sỹ Liên, Trần Quốc Tuấn là người văn võ toàn tài, là con của An Sinh vương Trần Liễu, anh ruột vua Trần Thái Tông. Trong cả 3 lần đánh quân Nguyên – Mông, ông đều được vua Trần cử làm tướng lĩnh cầm quân đánh giặc. Năm 1258, bằng tài cầm quân và dùng người kiệt xuất, ông đã dẫn dắt binh sĩ đập tan cuộc tiến công lần thứ nhất của hơn 30.000 quân Nguyên – Mông.
Lễ hội đền Bắc Lãm diễn ra trang trọng, vui tươi, an toàn. Ảnh: TGHĐ
Đầu năm 1285, 600.000 quân Nguyên – Mông chia làm 2 hướng ào ạt tấn công xuống nước ta lần thứ hai. Trần Quốc Tuấn được cử làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh quân đội. Ông đã viết Hịch Tướng sĩ – một áng thiên cổ hùng văn bất hủ, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của người chiến binh trước sự mất còn của dân tộc. Lời hịch hiệu triệu cả ngàn quân, cùng một ý chí “Sát Thát” (giết giặc Mông Cổ), lập nên những chiến thắng vang dội: Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng; tiêu diệt và quét sạch đạo quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta. Hưng Đạo Đại Vương mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức năm 1300), được người dân tôn sùng như bậc Thánh, nên còn có tên gọi Đức Thánh Trần.
Phạm Ngũ Lão xuất thân từ nông dân nhưng với tài năng văn võ song toàn, ông đã được Hưng Đạo Đại Vương chiêu mộ, rèn cặp và mau chóng trở thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất trong hai lần đánh tan giặc xâm lược Nguyên – Mông (lần hai và lần ba), được Hưng Đạo Đại Vương tin cẩn gả con gái cho. Sau này khi phò tá ba đời vua Trần, ông đã lập chiến công, nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao và quân Chiêm Thành cũng như các tù trưởng phản loạn nơi biên giới.
Cả hai danh tướng của nhà Trần là Hưng Đạo Đại Vương và Phạm Ngũ Lão đều được người dân Bắc Lãm thờ phụng tại đền Bắc Lãm với tấm lòng thành kính, biết ơn.
Đền Bắc Lãm có kết cấu kiến trúc chữ Nhị, gồm các hạng mục: Nghi môn, bình phong, đại bái, hậu cung. Trải qua năm tháng, ngôi đền còn lưu giữ được nhiều di vật quý với các chất liệu khác nhau như: gỗ, giấy, sứ, đồng, đặc biệt còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong và 2 cuốn ngọc phả. Năm 2008, đền Bắc Lãm được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Lễ hội đền Bắc Lãm tổ chức từ ngày mùng 5 đến mùng 6 tháng Giêng hàng năm với các hoạt động tế lễ ở đình, quán, đền để tưởng nhớ công đức của nhị vị Thành hoàng. Bên cạnh lễ hội chính, Nhân dân còn tổ chức lễ tế vào ngày 20 tháng 8 âm lịch – ngày hóa của Đức Thánh Trần. Những ngày diễn ra lễ hội, ngày sóc vọng, ngày khánh hạ, lễ thượng điền, hạ điền, Tết Nguyên đán… Nhân dân đều dâng lễ vật lên Đức thánh cầu mong Đức thánh phù hộ cho nhân khang, vật thịnh.
Để lưu truyền những giá trị lịch sử mà cha ông đã xây dựng và bảo tồn, ngày nay người dân Bắc Lãm 8, 9 mỗi năm cử 8 cụ từ con trưởng của dân (là những cụ đã được ghi sổ làng trước đây) đến trông nom đình Bắc Lãm và đền Vẽ (Bắc Lãm 9 quan anh 4 cụ, Bắc Lãm 8 quan em 4 cụ). Nét đẹp văn hóa này vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ./.
Mai Chi