Đời sống người dân ngày càng cải thiện, với thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 83,26 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ nghèo. Có đời sống kinh tế phát triển, người dân Văn Bình rất quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Xã Văn Bình nằm gần trung tâm huyện Thường Tín gồm 3 thôn: Bình Vọng, Văn Hội và Văn Giáp với hơn 3.600 hộ dân. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2020, xã đã được thành phố Hà Nội công nhận hoàn thành xây dựng NTM nâng cao. Hiện nay, qua đánh giá, Văn Bình đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu ở ba lĩnh vực : văn hóa, y tế, và giáo dục.
Năm 2015 xã Văn Bình về đích NTM, đến năm 2020, xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Giai đoạn 2021 – 2025 xã đã phân bổ trên 461,6 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư, hệ thống trường lớp và thiết bị dạy và học của 3 cấp học được nâng cấp. Qua đánh giá, xã đã cơ bản hoàn thành 02 nhóm chỉ tiêu bắt buộc (là Thu nhập và Mô hình thôn thông minh) và xã Văn Bình lựa chọn 01 tiêu chí thuộc lĩnh vực Giáo dục và đào tạo, để xây dựng phấn đấu đạt kiểu mẫu, qua rà soát đánh giá, xã đã đạt tiêu chí này.
Thư viện Bình Vọng, nơi giữ gìn và phát huy văn hóa đọc
Với nguồn vốn đầu tư trên 461,6 tỷ đồng, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội đã được nâng cấp toàn diện. Toàn bộ đường giao thông nông thôn được đổ bê tông và trải nhựa, các trường học và cơ sở y tế khang trang. 100% tuyến đường giao thông được trải nhựa hoặc đổ bê tông. Xã có 3 trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Năm 2023, Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng mới và đạt chuẩn quốc gia về y tế… Đời sống người dân ngày càng cải thiện, với thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 83,26 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ nghèo. Văn Bình đã được đánh giá đạt chuẩn NTM kiểu mẫu ở ba lĩnh vực quan trọng: văn hóa, y tế, và giáo dục.
Văn Từ Thượng Phúc nơi gìn giữ, tiếp nối truyền thống hiếu học, khoa bảng của đất danh hương Thường Tín
Có đời sống kinh tế phát triển, người dân Văn Bình rất quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện Văn Bình có Văn Từ Thượng Phúc – nơi gìn giữ, tiếp nối truyền thống hiếu học, khoa bảng của đất danh hương Thường Tín; có các chùa cổ, như: Chùa Pháp Vân (thôn Văn Giáp), chùa Phúc Hội (thôn Văn Hội), chùa Bảo Quốc (thôn Bình Vọng)… được quan tâm tu bổ, tôn tạo, giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Đặc biệt, khu trung tâm thôn Bình Vọng có rặng muỗm cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng xuống ao làng và cây cầu đá cổ kính. Nơi đây thu hút rất đông người dân và du khách dạo chơi, tập luyện thể dục, thể thao và chụp ảnh lưu niệm.
Trường học được xây dựng khang trang
Ở Văn Bình có thư viện Bình Vọng hoạt động đều đặn, mở cửa vào tất cả các buổi chiều trong tuần, là địa chỉ văn hóa đọc thu hút đông đảo người dân. Sách, báo rất phong phú về thể loại, gồm: Sách chính trị xã hội, giáo dục tư tưởng – đạo đức, phong cách sống; tôn giáo, văn học, khoa học kỹ thuật…Hiện thư viện có 15.117 bản sách, đáp ứng tối đa nhu cầu đọc sách của nhân dân. 24 năm đã qua, thư viện cấp thôn này đã tiếp, phục vụ gần 152.000 lượt bạn đọc, cho 76.700 lượt bạn đọc mượn sách với 258.400 lượt bản sách.
Thôn Văn Giáp đã xây dựng thành công thôn thông minh; xây dựng và duy trì nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Trong năm 2024, người dân đã đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng, hơn 300 ngày công; phối hợp với đơn vị thi công hoàn thành nhà văn hóa thôn; trùng tu, tôn tạo đền thờ Quan Chí Sỹ, giếng Thượng, giếng Ngọc và hệ thống nhà phục vụ chùa Pháp Vân; tu bổ các nhà văn hóa, khu vui chơi công cộng, đường làng, ngõ xóm… Thôn Bình Vọng đã xã hội hóa xây dựng thủy đình ở khu vực ao làng, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Vào ngày hội, làng tổ chức 400 mâm cỗ để nhân dân trong làng chung vui, tình làng, nghĩa xóm thêm đoàn kết, gắn bó.
Dù kinh tế – xã hội phát triển, nhưng các thôn, làng ở Văn Bình vẫn giữ được những không gian nông thôn truyền thống, xanh- sạch- đẹp, trở thành các miền quê đáng sống. Người dân Văn Bình đoàn kết, nghĩa tình, chăm chỉ, chịu khó, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phú An