Sự kiện

Các đề án về xây dựng đời sống văn hóa: Tạo sức lan tỏa từ cơ sở

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý -Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXD ĐSVH) chủ trì hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo đề án “Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở trên địa bàn […]

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý -Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXD ĐSVH) chủ trì hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo đề án “Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội” và “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và TP đến cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội”.

Chỉ rõ những hạn chế

Dự thảo đề án “Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội” đã chỉ rõ những mặt tích cực cũng như hạn chế của chất lượng xây dựng mô hình văn hóa cơ sở tại các địa phương. Ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho rằng đề án phải đánh giá thực trạng phong trào từng bước được quan tâm xây dựng, mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa… được chú trọng và góp phần vào những chuyển biến trong việc thực hiện nếp sống văn minh. Tuy nhiên, một trong những tồn tại là phong trào TDĐKXD ĐSVH mới đạt hiệu quả về số lượng, chưa đi sâu về chất lượng. Vì vậy, mục tiêu của đề án là phải khắc phục được những tồn tại hạn chế, những tiêu chí đặt ra của phong trào TDĐKXD ĐSVH phải thiết thực với đời sống.


Người dân phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho trẻ vui chơi tại một điểm công cộng trên địa bàn phường. Ảnh: Công Hùng

Bên cạnh đó, dự thảo đề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ TP đến cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội” đề cập đến các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có việc hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; định hướng tổ chức hoạt động cho hệ thống thiết chế văn hóa… Việc triển khai hai đề án này được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu đưa Chương trình 04 về “Phát triển văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đi vào chiều sâu.

Tiêu chí phải phù hợp thực tế

Từ thực tế triển khai, nhiều đại biểu đã góp ý phải rút ngắn khoảng cách dao động giữa các tiêu chí, cần khắt khe hơn để việc đánh giá các phong trào thực chất hơn. Ngoài ra, ở đề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ TP đến cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội” cần bám sát vào điều kiện thực tế của từng quận, huyện; xử lý mềm dẻo tình huống ở quận nội thành có tiền đầu tư nhưng không có đất xây dựng các thiết chế, ngược lại ở huyện có diện tích đất nhưng gặp khó về nguồn vốn. Tại quận Đống Đa, cho dù đã tận dụng diện tích của các khu vực vệ sinh công cộng, cải tạo nâng cấp thành khu vực sinh hoạt cộng đồng nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Quận Hoàn Kiếm thì đề xuất nâng cao chất lượng các thiết chế thuộc cấp TP để người dân khu vực xung quanh hưởng lợi, giảm bớt gánh nặng cho các thiết chế cơ sở. Ngoài ra, các huyện đề xuất cần xây dựng cơ chế, tạo hoạt động cho các nhà văn hóa đang bị phản ánh là hoành tráng nhưng “tối đèn”.

Ghi nhận các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu Sở VH&TT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng hoàn thiện dự thảo đề án “Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội”, trình UBND TP trong tháng 4/2017, để UBND TP trình Thường trực Thành ủy xem xét, ban hành trong tháng 5/2017. Cùng với việc hoàn thiện dự thảo quy chế “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ TP đến cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị chức năng xây dựng quy chế vận hành, khai thác các thiết chế văn hóa.

Linh Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *