Di sản – Bảo tồn

Hà Nội tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới

Là mảnh đất kinh đô ngàn năm văn hiếm, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của mọi miền đất nước. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội phong phú và đa dạng với hơn 5000 di tích lịch sử cách mạng và hơn […]

Là mảnh đất kinh đô ngàn năm văn hiếm, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của mọi miền đất nước. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội phong phú và đa dạng với hơn 5000 di tích lịch sử cách mạng và hơn 1000 lễ hội đặc sắc. Hơn nữa, Hà Nội còn là nơi có nhiều di sản thế giới nhất Việt Nam với 5 di sản, trong đó có 3 di sản riêng (Hoàng thành Thăng Long, hội Gióng, 82 bia đá tiến sĩ thời Lê – Mạc), 1 di sản đa quốc gia (kéo co) và 1 di sản liên địa phương (ca trù). Cùng với niềm tự hào, Hà Nội luôn đặt trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới, để các giá trị được lan tỏa và lưu giữ lâu dài…

Năm 2009, nghệ thuật ca trù là di sản đầu tiên của Hà Nội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hà Nội cùng với 14 tỉnh, thành phố khác là những địa phương đang nắm giữ di sản này, nhưng Hà Nội vẫn được coi là nơi ca trù phát triển mạnh mẽ nhất. Với vị thế đó, thành phố đã thực hiện nhiều chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị ca trù như: Tổ chức liên hoan ca trù, xuất bản sách nghiên cứu về ca trù, kiểm kê di sản văn hóa hát ca trù tại một số huyện, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho hoạt động của các câu lạc bộ ca trù, dựng lại một số bài hát cổ bị mai một…

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản thế giới năm 2010

Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, nhiều di sản của Hà Nội được UNESCO công nhận di sản thế giới, đó là: 82 bia đá tiến sĩ thời Lê – Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn. Và đến năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam, cùng với các nước Campuchia, Hàn Quốc, Philippines được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó, trò diễn kéo co ngồi hội đền Trấn Vũ (quận Long Biên) và kéo mỏ hội đền Vua Bà (huyện Sóc Sơn) của Hà Nội được lựa chọn trong hồ sơ trình UNESCO công nhận. Trước những vinh dự đó, Hà Nội luôn dành sự quan tâm trong công tác bảo tồn, phát huy những di sản được UNESCO công nhận, vừa để các di sản “sống” lâu bền, vừa để lan tỏa các giá trị quý.

Nghi lễ đặc sắc trong Lễ hội Gióng

Để bảo vệ hệ thống 82 bia đá tiến sĩ, Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã tạo hàng rào mềm ngăn không cho khách xoa đầu rùa và bia đá, hoàn thành tu bổ nhà che bia, hiện đang hệ thống hóa tư liệu về các bài văn bia, sắp tới sẽ làm sạch bụi, nấm mốc trên các bia đá… Tự hào khi hội Gióng được công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền xã và bà con đều ý thức hơn trong việc tổ chức, thực hành lễ hội theo nghi thức truyền thống. Với những di sản liên địa phương hay đa quốc gia thì cần thiết có những chương trình hành động chung để bảo vệ di sản.

Hiện nay, Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ các di sản được UNESCO công nhận. Dù di sản đó nằm trên địa bàn Hà Nội hay di sản liên địa phương, di sản đa quốc gia thì Hà Nội vẫn luôn bảo tồn và phát huy giá trị với tinh thần trách nhiệm cao.

Phương Uyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *