Văn hoá đời sống

Áo dài Trạch xá – Nét đẹp hoàn mỹ mang tính truyền thống

Với sự say mê, gắn bó với nghề may áo dài, hàng ngày những thợ may làng Trạch Xá vẫn đưa từng đường kim, mũi chỉ cùng nhát lát cắt trên lên những tấm vải đủ sắc màu, để làm đẹp cho những người phụ nữ khắp miền đất nước và với hi vọng mang […]

Với sự say mê, gắn bó với nghề may áo dài, hàng ngày những thợ may làng Trạch Xá vẫn đưa từng đường kim, mũi chỉ cùng nhát lát cắt trên lên những tấm vải đủ sắc màu, để làm đẹp cho những người phụ nữ khắp miền đất nước và với hi vọng mang ra cả thế giới. Những thợ may Trạch Xá tin rằng: hồn cốt tà áo dài Việt Nam sẽ chẳng bao giờ mất đi bởi họ vẫn luôn gìn giữ những nét đẹp làng nghề mình.

Làng Trạch Xá thuộc huyện Ứng Hòa, tổng Hà Đông xưa, nay thuộc Hà Nội. Nơi đây có nghề truyền thống may áo dài truyền thống và một số trang phục cổ khác: áo bà ba liền vai hay còn gọi là áo cánh, áo tứ thân, áo bông trần tay… nghề may nơi đây được truyền qua nhiều thế hệ, điều đặc biệt ở những loại áo làm ra ở đây đều được khâu tay ở một số chi tiết trên trang phục tạo nên nét độc đáo và hoàn mỹ mang tính truyền thống.

Ngày nay ngoài các trang phục cổ kể trên làng may áo dài Trạch Xá còn làm chăn bông, những chiếc chăn ở đây được khâu tay hay còn gọi trần tay tạo nên những đường chỉ chìm trong chăn chắc chắn, những hình quả trám hay những hình vuông nổi đều đặn rất đẹp. Sự độc đáo tạo nên từ những bàn tay khéo léo, sự kiên trì của người thợ tạo nên những sản phẩm mang đầy bản sắc dân tộc.

Trang phục áo dài được may tại làng Trạch Xá

    Theo thần tích, bà Nguyễn Thi Sen sinh ra và lớn lên ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây (ngôi làng được Quý Minh Đại Vương là thần tướng dưới thời Hùng Vương lập lên). Vào tuổi trăng tròn bà là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang, giỏi giang việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thêu thùa.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Vua Đinh Tiên Hoàng (924 -979) lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, trong đó tứ phi Hoàng Hậu Cồ Quốc chính là Thánh tổ nghề may Nguyễn Thị Sen.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lãnh đạo quân binh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Thiên Tử, lấy hiệu là: Tiên Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là: Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư – Ninh Bình (đây là Hoàng đế đầu tiên của nước Việt sau gần 1000 năm Bắc thuộc). Nhân dịp Vua Đinh Tiên Hoàng về trấn Sơn Tây kén chọn hiền tài giúp nước, đến làng Trạch Xá – Tổng Hòa Lâm – Huyện Ứng Hòa, đã cảm mến và kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Sen. Theo vua về kinh đô Hoa Lư, bà  được phong là Tứ Phi Hoàng Hậu.

Tại cung vua, bà được giao quản bộ May trang phục Hoàng Triều. Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã cùng các cung phi tạo nên các loại quần áo của Hoàng tôn, Công tử, Hoàng hậu và Triều nghi, thứ nào cũng vừa trang trọng vừa tiện lợi. Đặc biệt đã đào tạo được đội ngũ người may, người thêu thùa đông đảo. Bà dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa hề có.

Vào năm Kỷ Mão (979) Vua Đinh Tiên Hoàng bị gian thần sát hại. Buồn chán trước cảnh  triều đình rơi vào binh đao tranh quyền, đoạt vị, bà đã đưa các con từ giã Hoàng cung trở về làng Trạch Xá quê hương. Tại đây, bà đã mang nghề may trong cung truyền dạy cho dân làng và từ đó nghề may đã phát triển đời này nối tiếp đời sau, đến nay đã được hơn ngàn năm.  Bà mất vào ngày 12 tháng Chạp. Để con cháu muôn đời biết về công đức của tiền nhân, người dân làng Trạch Xá đã lập đền thờ suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề may và tổ chức lễ hội giỗ tổ vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch hàng năm.

Tôn vinh đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lễ giỗ Tổ nghề may hàng năm được hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp thợ ngành may mặc thời trang trên cả nước tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ hội giỗ Tổ lớn nhất hàng năm với nhiều nghi lễ trang trọng và nhiều hoạt động giao lưu, vui chơi dân gian truyền thống được tổ chức  tại làng Trạch Xá và Hội An.

Dù trải qua thăng trầm nhưng chưa bao giờ nghề may áo dài ở Trạch Xá bị pha tạp bởi xu hướng hiện đại. Kể cả những lúc trào lưu áo dài cách tân chiếm lĩnh thị trường và làm phai nhạt hình ảnh chiếc áo dài truyền thống. Những chiếc áo dài cách tân có thể sản xuất hàng loạt với nhiều kiểu cách, mầu sắc đa dạng cho nên người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn so với áo dài truyền thống nhưng qua mỗi năm lại đổi mới theo thị hiếu của người dùng, vì thế khó giữ được nguyên giá trị văn hóa. Áo dài truyền thống chỉ có một kiểu duy nhất, phần nào đó ít được ưa chuộng, nhưng giá trị văn hóa lại tồn tại mãi với thời gian. Chính điều này là nguồn mạch để người dân làng Trạch Xá gắn bó với nghề của mình.

Ông Đỗ Minh Thường (tên thường gọi là Tám) ở xóm Đông, thôn Trạch Xá, đã có khoảng 30 năm gắn bó với nghề may truyền thống. (Ảnh: Báo Lao động)

          Làng Trạch Xá hiện có 500 hộ thì 90% số hộ dân sinh sống bằng nghề may áo dài. Tuy nhiên, nghề này chỉ đều việc vào những tháng đầu và cuối năm, do vậy thu nhập của người dân chưa ổn định và còn thấp. Những tháng không có việc, dân làng thường đùa nhau sẽ bỏ cái nghề “Ăn cám trả vàng”… Nói thì nói vậy chứ chẳng ai bỏ được vì đó là nghề của tổ tiên truyền lại, đã ăn sâu vào máu và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Ông Thường – một thợ may lâu năm của làng chia sẻ: Bây giờ lớp trẻ tiến bộ hơn chúng tôi ngày trước, có nhiều cơ hội làm kinh tế cho nên ít quan tâm đến nghề truyền thống. Ðiều tôi trăn trở nhất là nghề truyền thống của cha ông sau này ngày càng thu hẹp đất sống, bởi với nghề này, người học cần tố chất tài hoa, đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì. Vì thế, ông Thường đang cố gắng giữ nghiệp tổ bằng cách truyền lại cho các con và khuyến khích lớp trẻ trong làng theo học nghề.

                                                          Đoàn Văn Huỳnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *