Bảo tồn - Bảo Tàng

Đình Phú Đôi – ngôi đình của làng Việt cổ

Ghi nhớ công ơn của Nam Giang Đại vương, hàng năm, dân làng Phú Đôi long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống vào ngày mùng 10 -3 Âm lịch – ngày hóa của Ngài.


Đình Phú Đôi hiện nay

Phú Đôi là một làng Việt cổ, cư dân đông đúc, sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Làng Phú Đôi xưa là trang Đống Nhuyễn (sau gọi là Nhọn), thuộc tổng Lương Xá, huyện Phù Vân, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Làng có một ngôi đình và một ngôi chùa. Đình, chùa làng Phú Đôi đều đã được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Đình làng Phú Đôi thờ Nam Giang Đại Vương, người có công ban phát ruộng đất, giúp trang Đống Nhuyễn mở mang hương quán trở thành trù phú, thịnh vượng mãi về sau. Thần tích Thành hoàng làng Phú Đôi còn lưu giữ lại đến nay có ghi lại rằng: … Con trai thứ 41 của Lạc Long Quân và Âu Cơ được cử trấn giữ quận Nam Giang, cho nên mới gọi là Nam Giang Vương. Khi Vương trấn giữ Nam Giang, Ngài đi xem xét phong cảnh thiên hạ, đến trang Đống Nhuyễn thuộc huyện Phù Vân thấy một thế đất, phía tiền đường là dòng nước sâu đột xuất có thửa ao nhỏ, các sao án ngữ ở đó. Phía sau là mình rồng gối lên, lại có dòng nước ngược chầu về, các dòng nước giao lưu chảy quanh. Đất này phát về của cải và sinh ra những anh tài tuấn tú nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Vương biết đây là thế đất quý bèn dựng hành cung theo hướng Tây Bắc Đông Nam, ban thưởng cho các phụ lão trong trang, mua nhiều ruộng đất để lo việc hương hỏa về sau. Rồi Vương trở về cai quản công việc trong quận.
Đình Phú Đôi hiện nay, theo những người già của làng kể lại thì có từ vài trăm năm nay. Từ rất xa xưa, đình Phú Đôi được xây dựng chưa kiên cố, ở giữa làng, sau được chuyển về phía đầu làng.
Ngôi đình ở phía đầu làng hiện nay được xây dựng vào năm 1923, hình chuôi vồ, gồm phần đại bái và hậu cung. Phần đại bái có 5 gian và 2 nách ở 2 bên sát tường hồi, có 4 hàng cột, mỗi hàng 6 cột, trong đó 4 cột ở gian giữa là cột đá, còn lại là cột lim. Phần hậu cung có 4 cột lim. Phía trong cùng là khám thờ đặt bài vị. Đình còn lưu giữ được 2 bức hoành phi cổ, bức lớn chính giữa có 4 chữ đại tự là Đại đức xuyên lưu. Đình cũng còn lưu giữ lại 2 câu đối cổ… Hai bên sân đình là 2 giải võ (sau này làm lớp học tạm, bây giờ là phòng họp thôn). Trước cửa đình bên ngoài đường đi là 1 giếng nước ăn, nay được xây tường từ đáy giếng trở lên cho kiên cố để giữ gìn giếng lâu dài, tạo cho khu đình thêm rộng rãi, cảnh quan khu Di tích thêm đẹp đẽ, khang trang. Các cụ cao niên kể lại rằng: Ngôi đình này lúc đầu xây nhìn về hướng bắc, phía bên phải đình xây đài bút nghiên. Nhưng không hiểu sao, làng Xuân La ở phía Bắc đình Phú Đôi cứ bị cháy. Các cụ làng Xuân La đi xem được biết là do đình Phú Đôi hướng về làng mình. Các cụ làng Xuân La bèn xuống điều đình với các cụ làng Phú Đôi, xin được chuyển hướng đình về hướng Nam để giúp cho Xuân La khỏi bị hỏa hoạn. Cuộc thương thuyết được đồng thuận giữa 2 bên. Ngôi đình Phú Đôi được xây lại chuyển hướng Nam như hiện nay, làng Xuân La hết cháy. Từ đó 2 làng kết giao, đi lại thân thiết. Tình nghĩa 2 làng gắn bó keo sơn như anh em, gọi là “dân anh – dân em”.
Nhưng do chuyển hướng đình, nên đài nghiên bút lại nằm ở bên trái đình. Có lẽ vì thế mà hiền tài ở Phú Đôi mãi vẫn hiếm. Dấu tích đài nghiên bút không còn nữa.
Lại nói về Nam Giang Vương, sau khi xây đình, giúp dân gây dựng trang ấp giầu đẹp, ngài trở về Quận chuyên tâm chăm lo việc chính sự. Đến năm Ngài 103 tuổi thì hóa ở Động Đình. Đó là ngày mùng 10 tháng Ba Âm lịch. Sau khi Ngài hóa, Phụ lão trang Đống Nhuyễn tấu đạt lên triều đình xin được thờ phụng. Triều đình đồng ý, các lão phụ liền đến Kinh đô nhận sắc phong của triều đình về thờ cúng, từ đó cho đến ngày nay. Hùng Vương khi ấy sai viết sắc phong, phong Ngài là Nam Giang Vương, lại ban thêm 6 chữ mĩ tự và 3 quan tiền, đồng thời cho dự vào điển lễ của Nhà nước. Ngài trở thành 1 vị tối linh thần.
Ngoài đình Phú Đôi, trong cả nước còn có 23 ngôi đền được phép thờ Nam Giang Vương. Trải qua các triều đại Nam Giang Vương – thành hoàng làng Phú Đôi đã được phong tặng 13 đạo sắc phong. Các đạo sắc phong được dân làng trân trọng giữ gìn, hiện vẫn còn lưu giữ tại đình.

Ghi nhớ công ơn của Nam Giang Đại vương, hàng năm, dân làng Phú Đôi long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống vào ngày mùng 10 -3 Âm lịch – ngày hóa của Ngài. Đình Phú Đôi đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) ký quyết định số 141 – QĐ/VH ngày 23-01-1997, công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa.

Quỳnh Anh

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *