Người dân nơi đây luôn tự hào về làng nghề truyền thống và mong muốn duy trì làng nghề cũng như sản xuất ra những sản phấm gốm sức chất lượng nhất.
Thời xưa các lò gốm thủ công tuyệt đối giấu nghề theo phương pháp cha truyền con nối. Nhưng đến nay, trong đời sống cũng như quá trình sản xuất của người Bát Tràng đã có tinh thần cộng đồng cao và ý thức bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp.
Một góc làng nghề Bát Tràng
Nguồn gốc làng gốm Bát Tràng
Gốm sứ Bát Tràng được hình thành và phát triển cách đây trên 700 năm. Bát Tràng được lấy tên từ xã Bát, làng Bát, đời nhà Trần và cái tên ấy vẫn lưu giữ đến ngày nay. Trong lịch sử, những loại gốm quý và độc đáo của nước ta, nổi tiếng cả trong và ngoài nước như gốm men ngọc (thời Lý, Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần – đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê – Trịnh) và gốm hoa lam (cuối thời Lê – thời Nguyễn) đều đã được sản xuất ở Bát Tràng. Từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaixia, Thái Lan và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Có thể nói, gốm sứ Bát Tràng là một trong những mặt hàng được người nước ngoài ưa chuộng.
Với bàn tay tài khéo của các nghệ nhân và thợ gốm, làng Bát Tràng đã tạo ra những sản phẩm: độc bình, chân đèn, đôn, bình vôi, nậm rượu, choé, ấm… bằng gốm men ngọc, men rạn, men hoa lam… độc đáo. Những sản phẩm này được tạo dáng và trang trí với những con rồng, những hoa văn đắp nổi, khắc chìm hoặc trổ thủng với những màu sắc đa dạng. Men sử dụng trong chế tác các sản phẩm gốm có men trắng ngà cổ truyền và nhiều men màu khác. Trong chế tác, những nghệ nhân đã vẽ màu dưới men, giữa men, trên men nhằm tạo nên những sản phẩm độc đáo về màu sắc. Việc tìm đất, chọn nguồn đất nguyên liệu thích hợp, tạo các loại men từ tro, đất phù sa, đá màu, rỉ đồng, rỉ sắt, cùng sự cải tiến kỹ thuật lò nung đã thể hiện tài năng của những nghệ nhân và thợ gốm ở làng gốm Bát Tràng qua nhiều thế hệ.
Sản phẩm của nghề gốm truyền thống được tạo ra bởi các bí quyết sản xuất và đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo cao, được truyền từ đời này sang đời khác. Thực tế cho thấy, những sản phẩm gốm không chỉ là những vật phẩm kinh tế hay vật phẩm phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày của dân cư, nó còn là những sản phẩm mỹ nghệ, biểu hiện cho sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa của dân tộc.
Một số bình gốm men nâu Bát Tràng
Sản phẩm của làng gốm Bát Tràng là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật. Các sản phẩm đó mang tính chất cá biệt, có sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mỹ, bản sắc văn hóa của người dân Bát Tràng. Những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đã được thử thách qua thời gian, được chọn lọc, được thừa nhận để tồn tại và phát triển cùng với sự bổ sung lẫn nhau, trở thành những kiểu mẫu cho những sản phẩm cùng loại được sản xuất, chế tác tiếp sau đó. Các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ cao. Ngày nay, Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là một trong bảy làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội cùng với sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), sơn khảm thôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gỗ mỹ nghệ Thiết Ứng (huyện Đông Anh).
Phát huy giá trị làng nghề truyền thống
Với đặc điểm lịch sử văn hóa và quá trình hình thành, phát triển làng nghề, Bát Tràng có nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phát triển du lịch. Chính vì vậy, năm 2001, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết làng nghề truyền thống Bát Tràng với mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Đến năm 2004, chợ gốm Bát Tràng được thành lập và đưa vào hoạt động phục vụ khách tham quan.
Khách du lịch được trải nghiệm làm gốm
Hàng năm, có trên 10.000 lượt khách quốc tế và trên 50.000 khách du lịch trong nước đến Bát Tràng. Với tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ là 47%, tổng sản lượng hàng năm ước đạt 200 tỷ đồng, cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Bát Tràng. Đến với làng gốm sứ Bát Tràng, du khách sẽ được trải nghiệm với công việc làm gốm và được tìm hiểu về lịch sử của làng truyền thống. Tuy nhiên, khách đến với Bát Tràng chủ yếu là tham quan, mua hàng tại chợ gốm, các dịch vụ giới thiệu về lịch sử văn hóa, giá trị làng nghề, dịch vụ mới hình thành chưa có tính chuyên nghiệp, chưa kết nối được các điểm tham quan. Điểm yếu của Bát Tràng là các dịch vụ du lịch mới hình thành vẫn mang tính tự phát. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu tư chưa đồng bộ, đặc biệt là các dự án đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu…
Để phát huy hết được giá trị của làng nghề truyền thống tiêu biểu, đồng thời gắn với du lịch, cần có sự quan tâm quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư, tu bổ. Thực hiện các giải pháp duy trì sản xuất kinh doanh; bảo tồn làng nghề truyền thống phát triển thương mại dịch vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm gốm sứ… Hiện tại, làng gốm Bát Tràng đang liên kết với các đơn vị du lịch để triển khai nghiên cứu, xây dựng các tour đưa khách đến tham quan, giới thiệu về lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, tham quan mua hàng gốm sứ tại địa phương.
Bảo Trân