Tin ngành

Có gì trong “Tuyến du lịch vàng” tham quan thành phố Hà Nội?

Sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố thu hút du khách, đặc biệt với Hà Nội, địa danh đậm đặc về các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, lễ hội

Sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố thu hút du khách, đặc biệt với Hà Nội, địa danh đậm đặc về các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, lễ hội… “Tuyến du lịch vàng” tham quan thành phố Hà Nội là một sản phẩm đặc sắc khi kết nối các điểm tham quan, đơn vị lưu trú, nhà hàng, khu mua sắm… tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá thủ đô ngàn năm tuổi.

Kết nối các điểm đến du lịch Hà Nội

Với vai trò là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, hòa chung cùng nhịp độ phát triển của du lịch Việt Nam, Du lịch TP.Hà Nội đang khẳng định vai trò của một ngành kinh tế trong bức tranh tổng thể phát triển Thủ đô. Lượng khách du lịch đến thành phố Hà Nội 9 tháng đầu năm 2017 tăng 23,5% đối với khách quốc tế và tăng 7% đối với khách nội địa so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập du lịch ước đạt 52.954 tỷ đồng.

Bản đồ Tuyến du lịch vàng TP Hà Nội. Nguồn: hanoisightseeing.com

Ông Phạm Quang Thanh – Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho biết, “trên cơ sở nền tảng tiềm năng du lịch của thành phố Hà Nội, chúng tôi tập trung chú ý đến 03 cụm nhiều danh lam, thắng cảnh nhất. Đó là Hồ Hoàn Kiếm tại quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa và quận Ba Đình. Tuyến du lịch xoay quanh 03 cụm du lịch tạo thành “tuyến du lịch vàng” tham quan thành phố Hà Nội.”

Theo đó, Tuyến du lịch vàng Hà Nội được kết nối từ các khách sạn như: Thăng Long Opera Hanoi, Sofitel Legend Metropole Hanoi, Hotel De L’opera, Hilton Opera Hanoi, Khách sạn Hòa Bình, Khách sạn Melia Hanoi, Khách sạn Movenpick, Khách sạn Mercure, Khách sạn Eastin Easy GTC Hanoi…với các khu vực gồm nhiều điểm du lịch khác nhau như: Khu phố cổ Hà Nội (đình Đồng Lạc, chợ Đồng Xuân, Ô Quan Chưởng, đền Bạch Mã, phố đêm Tạ Hiện…); Khu vực hồ Hoàn Kiếm (đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội…); Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, chùa Quán sứ…; Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…; Quảng trường Ba Đình, chùa Một cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…

Ông Phạm Quang Thanh – Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội. Ảnh: Gia Linh

Khi nhu cầu du khách thay đổi thì việc tạo điều kiện dễ dàng cho du khách sử dụng các dịch vụ tại điểm đến, kết nối các dịch vụ tại điểm đến từ lưu trú đến tham quan, hướng dẫn và mua sắm… là nhu cầu thiết thực. Sự kết nối đó, không thể thiếu sự hợp tác của bên vận chuyển, do đó, chúng tôi đã hợp tác với Sàn giao dịch vận chuyển du lịch Gonow để vận chuyển khách và đưa khách đi tham quan từ các khách sạn trong tuyến du lịch này, ông Thanh cho biết. Đặc biệt, dịch vụ vận chuyển du lịch này sử dụng nền tảng công nghệ số và internet để kết nối dịch vụ.

Ông chia sẻ: “Từ các điểm khách sạn, chúng tôi kết nối với các điểm du lịch của thành phố. Khác biệt ở chỗ, căn cứ trên nhu cầu du khách, chúng tôi có lịch trình để đón khách tại các điểm lưu trú, từ 8h sáng – 4h chiều, cứ 30-40 phút chúng tôi sẽ có xe đón khách tại các điểm khách sạn để đưa đến các điểm du lịch, và từ điểm du lịch này đến điểm khác như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan, du lịch.”

Sản phẩm du lịch “truyền thống hiếu học”

Trong “Tuyến du lịch vàng”, các doanh nghiệp du lịch có thể xây dựng ra hợp tác với các bên để xây dựng nhiều sản phẩm khác nhau, và sản phẩm du lịch “Truyền thống hiếu học” là một minh chứng. Đây là sản phẩm doTổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu – Quốc tử giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng hợp tác xây dựng nhằm kết nối hai điểm du lịch Di tích Văn miếu – Quốc tử giám và Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam trong tổng thể “Tuyến du lịch vàng” tham quan thành phố Hà Nội.

Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch. Ảnh: Gia Linh

Ông Phạm Quang Thanh – Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho biết: “Truyền thống hiếu học là nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Do đó, chúng tôi lấy chủ đề này để làm nòng cốt kết hợp giữa Văn Miếu và Bảo tàng Mỹ thuật. Ở đây, chúng tôi sẽ mô phỏng sự liên kết giữa Văn Miếu – Quốc tử giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua hình tượng, hiện vật mang tính mỹ thuật cao qua nhiều tác phẩm ghi dấu ấn thời gian với nhiều chủ đề khác nhau.”

“Những giá trị của Văn Miếu – Quốc tử giám sẽ kết nối với giá trị của những tác phẩm tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tạo ra một sản phẩm du lịch mang tính văn hóa sâu sắc, thu hút du khách nội địa và quốc tế”, ông Thanh khẳng định.

Văn Miếu – Quốc tử giám. Nguồn: dulichvn.org.vn

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn Miếu – Quốc tử giám cho biết: “từ những bước đi ban đầu như phân luồng khách tham quan, chúng tôi đã hướng dẫn khách đi cổng phố Văn Miếu, kết hợp biển chỉ dẫn để khách tiếp cận dễ dàng hơn với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong thuyết minh, chúng tôi đã kết hợp bổ sung nội dung nhằm kết nối truyền thống giáo dục tôn trọng hiền tài tại Văn Miếu – Quốc tử giám với những bức tranh về chủ đề này được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Qua đó, giúp du khách tiếp cận được những giá trị đa dạng của văn hóa Việt Nam đang được lưu giữ tại hai điểm tham quan, kết nối thành một câu chuyện sinh động về truyền thống hiếu học của Việt Nam tạo nên cảm xúc tốt đẹp cho du khách.”

Chị Vương Lê Thúy Hằng – thuyết minh viên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, bảo tàng đã lựa chọn được 19 bức tranh tiêu biểu thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ quá khứ đến hiện đại.

Giới thiệu bức “Đốt đuốc đi học”. Ảnh: Gia Linh

Thời kỳ đầu (TK18-19) là những bức tranh chân dung về người có công, thành danh trong vấn đề học tập, sau đó đến các bức tranh như “Quan văn vinh quy”, “Quan võ vinh quy”, “Giảng học đồ”. Cuối TK 19 đầu TK 20 có bức “Bình văn” của Lê Huy Miến, được vẽ trước khi có Trường Mỹ thuật Đông Dương, đây là bức tranh quan trọng trong lịch sử mỹ thuật, bức tranh sơn dầu đầu tiên khẳng định Việt Nam có hội họa với nội dung thầy đồ và một nhóm dạy học.

Bức “Ông Nghè vinh quy”. Ảnh: Gia Linh

Tiếp sau là thời kỳ mỹ thuật Đông Dương với các bức tranh tiêu biểu như “Ông Nghè vinh quy” của Nguyễn Khang, rồi đến “Đốt đuốc đi học” của Tô Ngọc Vân thời kỳ kháng chiến, sau kháng chiến là bức “Giờ học tập” của Nguyễn Sáng (1960) và “Người giáo viên rẻo cao” của Lê Huy Hòa. Một số bức tranh, hiện vật tiêu biểu khác như: “Đi học chữ Bác Hồ”. “Lớp học xơ tán”, “Lớp học bổ túc”, “Ẵm em đi học” hay “Em nào cũng được đi học” của Nguyễn Sĩ Tốt.

Bức tranh “Đi học chữ Bác Hồ”. Ảnh: Gia Linh
Bức tranh “Em nào cũng được đi học”. Ảnh: Gia Linh

Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch nhận định, đây là một sản phẩm du lịch đặc sắc của Hà Nội và có lẽ là điểm nhấn của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng trong năm 2017, mở ra giai đoạn mà các doanh nghiệp lữ hành khai thác chủ đề về Hà Nội, chủ đề truyền thống và các giá trị văn hóa nghệ thuật, lịch sử Việt Nam.

Từ những nỗ lực của các bên liên quan, việc kết nối các bảo tàng di tích, điểm tham quan phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, từ đó góp phần phát triển du lịch thủ đô ngày càng bền vững./.

Theo Cinet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *