Gia đình

Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái: Chung tay hành động

Nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận về bình đẳng giới. Tuy vậy, tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp. Hướng tới mục tiêu bình đẳng giới, một trong những giải pháp quan trọng là cả xã hội hãy chung tay hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái khỏi bạo lực cần tạo ra môi trường an toàn, bình đẳng từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội. Ảnh: Bá Hoạt

Những con số “biết nói”

Những năm gần đây, phụ nữ và vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong xã hội Việt Nam. Trong lĩnh vực lao động, việc làm, lao động nữ duy trì ở mức cao, chiếm hơn 48% tổng số lực lượng lao động xã hội; tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt hơn 20%. Trẻ em gái cũng nhận được sự quan tâm, chăm sóc như trẻ em trai…

Bên cạnh những thành tựu, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bảo đảm bình đẳng giới giữa nam và nữ. Khoảng cách giới còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội. Theo kết quả đo lường công việc của phụ nữ Việt Nam do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) vừa công bố, phụ nữ Việt Nam dành thời gian làm việc nhà, chăm sóc con cái cao hơn nam giới từ 2 đến 2,5 giờ/ngày. Trẻ em nữ dành thời gian cho việc học ít hơn trẻ em nam khoảng 4-6 giờ/tuần. Trong lao động, sản xuất, phụ nữ nhận được mức lương thấp hơn nam giới, khó tìm kiếm cơ hội việc làm, dễ bị sa thải sau tuổi 35.

Đáng lo ngại hơn, nhiều phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục. Số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ cho thấy, 58% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực. Nạn nhân bạo lực gia đình tìm đến các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhờ tư vấn, hỗ trợ lên đến hàng nghìn lượt người/năm. Trong số hơn 2.000 người bị mua bán trở về giai đoạn 2011-2015, nạn nhân là nữ chiếm hơn 98%.

Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 2.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục. Đa số nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục là trẻ em gái. Ngoài ra, bạo lực trên cơ sở giới còn thể hiện ở tình trạng nạo, phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.

Ảnh minh họa

Chung tay hành động

Góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới, cùng với việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, từ năm 2016, các ngành, địa phương tổ chức “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”. Diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12 trên phạm vi toàn quốc, Tháng hành động gồm nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn nhằm truyền đi thông điệp “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Các ngành, địa phương đã và đang tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em và các quy định khác liên quan, đồng thời lồng ghép chương trình giáo dục giới tính, bình đẳng giới.

Ngoài giải pháp truyền thông, các chuyên gia về trẻ em khuyến nghị những người làm cha, mẹ nên dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân từ khi còn nhỏ, dạy nhiều lần cho đến khi trẻ thành thạo các kỹ năng. Ở cấp độ vĩ mô, ông Youssouf Abdel – Jelil (Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam) khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ trẻ bằng cách xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở cấp cơ sở, thành lập các tổ chức xã hội chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; phân bổ ngân sách hợp lý dành cho trẻ em.

Đối với phụ nữ, quyền bình đẳng của họ có thể bắt đầu từ việc giảm thời gian làm những việc “không tên”, không được trả lương trong gia đình, tăng thời gian dành cho học tập, tham gia các hoạt động, công việc xã hội. Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, Nhà nước có thể hỗ trợ phụ nữ giảm gánh nặng từ những công việc không được trả lương bằng cách tăng cường dịch vụ công; xây dựng chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp, trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc nhằm tìm kiếm mức lương tốt hơn và chống lại sự phân biệt về tiền lương theo giới…

Trên thực tế, phụ nữ hiểu biết xã hội, có trình độ chuyên môn thường tham gia hoạt động xã hội nhiều hơn, có thu nhập cao hơn, ít phải làm những công việc không được trả lương hơn và cũng ít bị bạo lực gia đình hơn. Qua đó có thể thấy, để bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái khỏi bạo lực, xâm hại, trước hết cần tạo ra môi trường an toàn, bình đẳng từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội. Khi bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân không nên im lặng, hãy lên tiếng để có được sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng.

Ông Youssouf Abdel – Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, bạo lực, xâm hại trẻ em ước tính sẽ lấy đi khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội của các nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tổn thất về tài chính, kinh tế, xã hội do bạo lực gia đình gây ra ước tính bằng 1,41% GDP/năm.

Theo Hà Nội Mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *