Tin ngành

Tiếp tục loại trừ linh vật ngoại lai khỏi các di tích lịch sử và văn hóa

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị sơ kết để đánh giá lại những việc làm được và chưa làm được trong quá trình khai công văn 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam của […]

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị sơ kết để đánh giá lại những việc làm được và chưa làm được trong quá trình khai công văn 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam của Bộ VHTTDL.

Những thành công ngoài tưởng tượng

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ, Công văn 2662 đã kịp thời chấn chỉnh việc các ban quản lý di tích ở địa phương tự ý tiếp nhận, đưa hiện vật lạ vào di tích. Kể từ sau ban hành Công văn, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có công văn chỉ đạo các ban quản lý di tích, chính quyền địa phương liên quan nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về di sản văn hóa trong việc tiếp nhận hiện vật lạ; triển khai rà soát các hiện vật lạ là sư tử và đèn đá hiện có trong toàn bộ hệ thống di tích trên địa bàn để thực hiện việc di dời…

Trong đó, tại Ninh Bình, sau 3 năm triển khai đã đưa 10 sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích Cố đô Hoa Lư, chùa Nhất Trụ, huyện Hoa Lư và đền Đức thánh Nguyễn huyện Gia Viễn. Ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, dễ thấy hoạt động sản xuất, chế tác linh vật theo mẫu ngoại lai giảm rõ rệt, và lượng khách hàng đặt mua linh vật có yếu tố ngoại lai rất hiếm hoi. Thay vào đó, một số mẫu linh vật truyền thống đang được các nghệ nhân nghiên cứu, chế tác và bắt đầu tìm được thị trường tiêu thụ.

Hay như Hà Nội, từ việc có 435 sư tử đá và hiện vật không phù hợp tại các di tích, sau 3 năm thực hiện chỉ đạo nhiều di tích có đặt các hiện vật không phù hợp truyền thống và thuần phong mỹ tục đã tự di dời, gỡ bỏ. Nhiều nhà nghiên cứu, giáo viên và các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống đã tìm hiểu, nghiên cứu, tuyên truyền quảng bá về các biểu tượng, linh vật thuần Việt như nhóm: Đình làng Việt, nhóm Linh vật cổ vật truyền thống Việt Nam, nhóm Chùa Việt… “Cho đến nay, hầu như không còn tình trạng sản xuất, cung tiến mới, bày đặt, sử dụng đồ thờ và các vật phẩm lạ không phù hợp lịch sử, văn hóa, mỹ thuật truyền thống trong nội tự các di tích ở Thủ đô”- ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội khẳng định.

Tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cúng tiến các biểu tượng, linh vật đã được các nghệ nhân, các tổ chức và nhân dân nhìn nhận lại một cách cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học. Việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam cũng được các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố tích cực triển khai thực hiện. Tại các di tích được xếp hạng đã di dời các vật phẩm, linh vật ra khỏi khuôn viên di tích, đến nay, đa số các di tích trên địa bàn thành phố không còn trưng bày các sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam…

Còn tại Nghệ An, năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 39 điểm (32 di tích và 07 cơ quan công sở) có đặt các biểu tượng, linh vật lạ, không phù hợp thuần phong mỹ tục (chủ yếu là các tượng sư tử đá). Năm 2015, Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn, phối hợp để tháo dỡ. Từ năm 2016 đến nay, việc sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp tại các cơ quan, ban ngành, các di tích, điểm công cộng đã được xử lý dứt điểm, không còn hiện tượng đưa các biểu tượng, linh vật vào sử dụng trong cơ quan công sở và trong các điểm di tích. Hiện nay, cơ bản 100% di tích trên địa bàn tỉnh đã không sử dụng các linh vật lạ để trang trí tại di tích.

Sau nhiều chuyến khảo sát, thanh tra, kiểm tra của Bộ VHTTDL tại các địa phương, sư tử đá ngoại lai và các hiện vật không phù hợp đã không còn tồn tại ở các di tích.

Không để linh vật ngoại lai tái xuất

Tuy nhiên, theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, việc triển khai Công văn 2662 vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn ngay đối với những người làm công tác quản lý.

Bà Trần Thị Thu Đông- Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, vẫn còn một bộ phận người dân, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về văn hoá không biết, không phân biệt được biểu tượng, sản phẩm, linh vật có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài với các sản truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều người không biết việc cung tiến hoặc tiếp nhận vào di tích đã được các biểu tượng, sản phẩm, linh vật mà không được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nhà nước là vi phạm phạm luật. Các sản phẩm phẩm bầy trong di tích, nơi thờ tự, công sở theo quan niệm mang ý nghĩa tâm linh, vì vậy việc loại bỏ, di dời hết sức phức tạp. Ngoài vấn đề tâm linh, ở các địa phương, đối với các cán bộ thực hiện việc loại bỏ, di dời, các biểu tượng, linh vật… ra khỏi di tích còn vướng mắc bởi quan hệ thân nhân, dòng tộc, sự cả nể, né tránh…

Đồng quan điểm, theo ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết nhiều “linh vật lạ” đã được đưa vào di tích từ rất lâu (trên 20 năm), đã ít nhiều gắn với tâm linh nên việc vận động di dời là rất khó. Đối với nhiều doanh nghiệp cung tiến còn băn khoăn về yếu tố tâm linh ảnh hưởng đến việc kinh doanh của cơ sở. Việc tìm địa điểm di chuyển và xử lý đối với các hiện vật sau khi di chuyển là một vấn đề nan giải, không thể phá bỏ, cũng không thể đưa tập trung bảo quản ở một khu vực, nhất là trong điều kiện đô thị hóa như ở Hà Nội, cần tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp thực tiễn. “Những hiện vật loại này phần lớn do các nhà hảo tâm công đức, nhiều hiện vật có thể khối và trọng lượng lớn, cần đến hỗ trợ về máy móc kỹ thuật mới có thể di chuyển được. Do vậy, gần như không phải người công đức nào cũng tự nguyện thực hiện việc di chuyển và không phải di tích nào cũng có kinh phí để di chuyển”- ông Trương Minh Tiến cho biết.

Để giải quyết vấn đề này, theo GS- nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền, cần phải loại bỏ vĩnh viễn các linh vật ngoại lai, chứ không chỉ là di dời. “Nếu chỉ di dời, đặt vào một chỗ khác thì một thời gian nào đó, một vài năm, vài chục năm nữa, nó sẽ “ngóc đầu dậy”, do những người đi sau không hiểu được như thế nào là đúng, như thế nào là phù hợp. Vì vậy, những linh vật này sẽ tiếp tục trở thành kẻ xâm lăng văn hóa”- GS Trần Lâm Biền nhận định.

Vì vậy, theo GS Trần Lâm Biền, cần phải làm triệt để bằng cách tiêu hủy hoặc chế tác lại các linh vật ngoại lai. Bên cạnh đó, phải làm cho người dân hiểu thế nào là linh vật Việt, làm cho dân hiểu, dân tin thì dân sẽ làm theo- GS Trần Lâm Biền chia sẻ.

Ghi nhận và biểu dương các đơn vị, địa phương đã đồng hành cùng Bộ VHTTDL trong việc thực hiện công văn 2662 thời gian qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cho rằng: “Ba năm triển khai Công văn 2662 mới chỉ là bước đi ban đầu. Mặc dù đã có những thành công ngoài mong đợi, nhưng trong thời gian tới việc triển khai công văn 2662 cần sâu sát và đồng bộ hơn nữa”.

Theo Thứ trưởng, ngoài việc làm rõ giá trị pháp lý, hiệu quả của công văn 2662, cũng cần đặt ra vấn đề công văn cần điều chỉnh gì trong công tác triển khai, thực hiện cho trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thứ trưởng giao các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL tiếp tục xuất bản các cẩm nang, sách, các triển lãm về linh vật Việt để phát hành rộng rãi góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị văn hóa Việt. Thường xuyên tổ chức các Hội nghị tập huấn cho đội ngũ công tác văn hóa ở các địa phương.

Trước mắt, Thứ trưởng giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Di sản Văn hoá, Thanh tra Bộ phối hợp với các Sở VHTTDL các địa phương lập các tổ chuyên ngành tiến hành kiểm tra, tuyên truyền cho người dân. Cao điểm của đợt thực hiện là dịp trước Tết Nguyên đán 2018.

Theo Hoàng Nguyên (bvhttdl.gov.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *