Tin ngành

Ứng Hòa Phát huy thế mạnh các làng nghề truyền thống

​Hiện nay trên địa bàn huyện Ứng Hòa có 118 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề được UBND thành phố cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc, đặc trưng riêng bởi vị trí địa lý và bề dày truyền thống của mỗi địa phương.

uh1.jpg 

Nghề mây tre đan ở Quảng Phú Cầu

          Đáng chú ý, trong số các ngành nghề truyền thống đang phát triển, nghề sản xuất giày da ở Minh Đức, sản xuất tăm hương ở Quảng Phú Cầu đang được mở rộng rất mạnh, không chỉ trong xã mà còn lan ra cả các xã lân cận như Trường Thịnh, Liên Bạt, Hoa Sơn, Cao Thành, tạo công ăn việc làm cho người lao động nhất là người nông dân khi thời vụ nông nhàn; sản phẩm tăm hương không chỉ được tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như Ấn Độ, Malaisia, Trung Quốc…

          Trong năm 2015, Phòng Kinh tế huyện phối hợp với Sở Công thương mở 7 lớp truyền nghề trên địa bàn huyện gồm: Giày da, sơn mài xã Minh Đức; giày da xã Đông Lỗ; dệt mành xã Phù Lưu; may áo dài xã Hòa Lâm; chẻ tăm hương và sản xuất tăm hương đen xã Liên Bạt, xã Quảng Phú Cầu. Tham mưu giúp UBND huyện triển khai mở rộng 2 cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Xà Cầu – Cầu Bầu xã Quảng Phú Cầu. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016 giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các làng nghề có mặt bằng để đầu tư phát triển sản xuất. Hướng dẫn UBND xã Minh Đức rà soát lập hồ sơ đề nghị UBND thành phố công nhận làng nghề giày da đối với thôn Thần. Hướng dẫn 2 thợ giỏi tại làng nghề may áo dài Trạch Xá (xã Hòa Lâm), sản xuất tăm hương truyền thống Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu) lập hồ sơ đề nghị UBND thành phố phong tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội trong năm 2015 cho  ông Nghiêm Văn Đạt và ông Lý Đình Như; 01 nghệ nhân sản xuất nhạc cụ dân tộc thôn Đào Xá (xã Đông Lỗ) là ông Đào Văn Soạn,  lập hồ sơ đề nghị UBND thành phố phong tặng nghệ nhân ưu tú năm 2015 nhằm tôn vinh các thợ giỏi có tay nghề cao tại địa phương.

uh2.jpg

Làng Đào Xá, xã Đông Lỗ  chuyên sản xuất những loại nhạc cụ cổ truyền

          Tuy đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi nhưng việc phát triển các làng nghề còn những hạn chế nhất định như quy mô sản xuất của các hộ còn nhỏ lẻ, mẫu hàng còn đơn điệu, chưa có đủ mặt bằng để sản xuất, sự cạnh tranh giữa những sản phẩm cùng loại của nhiều làng nghề truyền thống ở các địa phương khác và sự thay đổi nhu cầu của thị trường…Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề cũng đang là vấn đề "nóng" cần có biện pháp xử lý. Có thể thấy trước hết là do ý thức người dân. Nhiều người biết rõ mức độ nguy hiểm của việc gây ô nhiễm nhưng vẫn vi phạm, trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa chú trọng việc kiểm tra, xử lý. Một nguyên nhân khác là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế, đa phần cơ sở sản xuất, hộ gia đình không có kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom phân loại chất thải rắn… Bên cạnh đó, thiết bị, công nghệ sản xuất ở các làng nghề vẫn lạc hậu, mặt bằng thì chật hẹp…Vì vậy, để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề cần một giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao năng lực quản lý…, trong đó quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

                                                                         Quách Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *