Văn hóa cơ sở

Quận Tây Hồ nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích, lễ hội, trong những năm qua, UBND quận đã chỉ đạo sát sao ngành Văn hóa tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng quận, UBND các phường trong việc xây dựng và triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn…

Trên địa bàn quận Tây Hồ hiện có 71 di tích các loại, trong đó 39 di tích đã được xếp hạng (23 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 16 di tích xếp hạng cấp thành phố). Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích, lễ hội, trong những năm qua, UBND quận đã chỉ đạo sát sao ngành Văn hóa tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng quận, UBND các phường trong việc xây dựng và triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác quản lý và bảo vệ di tích tại cơ sở, công tác khoanh vùng di tích, rà soát công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trong danh mục cần tập trung triển khai, nhằm đảm bảo các dự án thực hiện đúng tiến độ, chất lượng.

Chùa Kim Liên

Phòng Văn hóa – Thông tin quận đã chủ động trong việc tuyên truyền với nhiều hình thức: Tuyên truyền trực quan, tuyên truyền bằng các bài viết trên hệ thống truyền thanh, thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn… đến đội ngũ cán bộ văn hóa, các thủ nhang, thủ từ tại các di tích và thành viên các Tiểu ban quản lý di tích trên địa bàn quận về các quy định của luật Di sản văn hóa, các văn bản liên quan đến các cơ sở thờ tự…Ở cơ sở, các phường cũng thường xuyên thông tin tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh các văn bản chỉ thị hướng dẫn của trung ương, thành phố và quận về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; công tác quản lý lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh tại nơi thờ tự. Qua đó, không ngừng nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về những vấn đề liên quan đến công tác tôn giáo tín ngưỡng.

Đặc biệt, trong năm 2017, UBND quận đã chỉ đạo phòng VHTT in đĩa phim Hương sắc Tây HồLễ hội đền Đồng Cổ; tái bản có chỉnh sửa, bổ sung cuốn sách Di tích Tây Hồ; thực hiện việc chuẩn hóa bài thuyết minh tại các di tích đã xếp hạng trên địa bàn quận, nhằm quảng bá, giới thiệu các lễ hội truyền thống, những giá trị của di tích đến khách tham quan trong và ngoài nước.

Đối với công tác tu bổ, tôn tạo di tích, quận đã tiến hành lập danh mục, thông tin phục vụ việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, chống  xuống cấp, phát huy giá trị các di tích kết hợp với việc phát triển du lịch giai đoạn 2017- 2020; chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát thực trạng, nhu cầu tu bổ, tôn tạo di tích và giải phóng mặt bằng các hộ dân ra khỏi khu vực I của các di tích đã được xếp hạng và khảo sát hiện trạng công trình phục vụ công tác lập dự án đầu tư tại đền Đồng Cổ, chùa Mật Dụng, chùa Châu Lâm. Các ngành chức năng của quận cũng đã phối hợp với UBND các phường triển khai thực hiện lập dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ, tôn tạo các di tích: Chùa Tĩnh Lâu, chùa Mật Dụng – phường Bưởi; chùa Bà Già – phường Phú Thượng; đền Cố Lê – phường Thụy Khuê; đình Trích Sài – phường Bưởi; chùa Ức Niên – phường Xuân La; chùa Châu Lâm – phường Thụy Khuê.

Lễ hội đền Đồng Cổ

Quận cũng đã đề xuất và được cấp có thẩm quyền chấp thuận xếp hạng cấp thành phố đối với 03 di tích nhà thờ họ Đỗ, nhà thờ họ Chu, nhà thờ họ Trần -phường Nhật Tân; việc xếp hạng di tích đền Cố Lê – phường Thụy Khuê đã được đưa vào kế hoạch năm 2018 của thành phố; việc xếp hạng chùa Kim Liên là di tích quốc gia đặc biệt đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của UBND quận, phòng VHTT đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của quận, UBND phường Quảng An, Xuân La, Nhật Tân, Phú Thượng, Bưởi trong việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực I của các di tích: Chùa Vạn Niên – phường Xuân La; đình Nhật Tân – phường Nhật Tân; nhà Bà Hai Vẽ, đình Phú Gia – phường Phú Thượng; phủ Tây Hồ, chùa Hoằng Ân, đình Quảng Bá, chùa Kim Liên, đình Nghi Tàm – phường Quảng An; đình An Thái, đền Vệ Quốc, chùa Mật Dụng – phường Bưởi; chùa Trấn Quốc và đình Yên Phụ – phường Yên Phụ.

Hàng năm, trên địa bàn quận diễn ra 15 lễ hội truyền thống, tiêu biểu là lễ hội đền Đồng Cổ – phường Bưởi, đình Nhật Tân – phường Nhật Tân, phủ Tây Hồ – phường Quảng An… Do làm tốt công tác quản lý tổ chức nên các lễ hội được diễn ra trang trọng, tiết kiệm, an toàn.

Trong thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích, trong đó, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo, di dân giải phóng mặt bằng tại các di tích: Dự án tu bổ nhà Tổ chùa Tĩnh Lâu; dự án tu bổ, tôn tạo chùa Mật Dụng – phường Bưởi; dự án tu bổ, tôn tạo chùa Bà Già – phường Phú Thượng; dự án quy hoạch tổng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo và giải phóng mặt bằng, di chuyển hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích chùa Châu Lâm – phường Thụy Khuê; dự án giải phóng mặt bằng, di chuyển hộ dân ra khỏi khu vực I di tích đền Đồng Cổ; dự án giải phóng mặt bằng di chuyển hộ dân ra khỏi khu vực I di tích chùa Tảo Sách – phường Nhật Tân…Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, rà soát nắm bắt tình hình thực tế tại các di tích, không để xảy ra vi phạm trong các khu vực bảo vệ của di tích.

Xuân Thanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *