Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ngày nay là phần còn lại của góc phía Đông Nam của Đề lao Trung ương Hà Nội (La Prison Centrale de Ha Noi).
Nằm giữa Thủ đô Hà Nội, có một địa chỉ đỏ, là một chứng tích tội ác của thực dân Pháp, nhưng cũng là nơi tỏa sáng tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam, đó chính là di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ngày nay là phần còn lại của góc phía Đông Nam của Đề lao Trung ương Hà Nội (La Prison Centrale de Ha Noi). Đây là một nhà tù lớn được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Phụ Khánh là làng nghề chuyên sản xuất đồ gia dụng bằng đất và được nung bởi những chiếc lò quanh năm đỏ lửa, nên làng còn có tên Nôm là Hỏa Lò, nhà tù này cũng được mang tên Hỏa Lò bởi lẽ đó.
Để có diện tích 12.908m2 xây dựng nhà tù, chính quyền thực dân Pháp đã cho di dời 48 hộ dân, phá bỏ nhiều công trình kiến trúc tôn giáo. Nhà tù Hỏa Lò cùng các thiết chế khác như: Sở Mật thám, Tòa Đại hình tạo thành thế kiềng ba chân, một hệ thống pháp chế liên hoàn, phục vụ đắc lực cho bộ máy cầm quyền của thực dân Pháp trong việc đàn áp các phong trào đấu tranh của những người Việt Nam yêu nước.
Hỏa Lò là nhà tù kiên cố bậc nhất Đông Dương, xây dựng ngay giữa trung tâm Hà Nội, thủ phủ của Chính quyền thực dân Pháp. Tính chất quan trọng của Nhà tù Hỏa Lò thể hiện ngay ở việc thiết kế kiến trúc, các phòng giam và tường bao đặc biệt kiên cố; vật liệu xây dựng là những loại có chất lượng tốt nhất. Các phòng giam, xà lim tại Nhà tù Hỏa Lò tuy khác nhau về diện tích, chức năng giam giữ nhưng đều có điểm chung: chật hẹp, thiếu ánh sáng, ngột ngạt và mất vệ sinh.
Toàn cảnh Nhà tù Hỏa Lò (1896 – 1954)
Phải sống trong hoàn cảnh bị giam giữ hà khắc tại Nhà tù Hỏa Lò, nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn tổ chức nhiều hoạt động như: học tập, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, họ đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với kẻ thù để phản đối chế độ giam giữ, đòi quyền lợi của tù chính trị… Vượt lên tất cả, các chiến sĩ đã: “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”, thành nơi rèn luyện lý tưởng, bồi dưỡng ý chí đấu tranh của những người cách mạng.
Ngay tại chính nhà tù này, thực dân Pháp đã từng giam giữ nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung, trong số đó có 5 đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam; và nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc khác của cách mạng Việt Nam như: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh…
Bằng sự mưu trí và lòng dũng cảm, các chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức nhiều cuộc vượt ngục để thoát khỏi nhà tù, tiêu biểu là: Cuộc vượt ngục vào tháng 12/1932 của 7 tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò từ nhà thương Phủ Doãn (Nay là Bệnh viện Việt Đức); Cuộc vượt ngục bằng cách chui qua đường cống ngầm hay trèo tường, ngụy trang trốn thoát ra ngoài bằng lối cổng chính của hơn 100 tù chính trị vào tháng 3/1945; Cuộc vượt ngục của 16 tù tử hình bằng cách chui qua đường cống ngầm tháng 12/1951. Thành công từ những cuộc vượt ngục này góp phần khẳng định tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi hoàn toàn vào tháng 10/1954, đây cũng là thời điểm những chiến sĩ cách mạng cuối cùng bị thực dân Pháp giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò đã được trao trả tự do.
Trong thời kỳ từ 1964 đến 1973, một phần Nhà tù Hỏa Lò được Nhà nước Việt Nam sử dụng để tạm giam tù binh phi công Mỹ. Tại đây, tù binh phi công Mỹ được đối xử theo đúng Luật pháp Quốc tế về tù binh chiến tranh, thể hiện rõ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam đối với những người đã từng là “kẻ thù”của nhân dân Việt Nam.
Năm 1993, Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng Nhà tù Hỏa Lò. Phần lớn diện tích của Nhà tù Hỏa Lò được dành cho việc phát triển kinh tế. Phần còn lại có diện tích 2.434m2, được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo và trở thành một điểm tham quan học tập tại Thủ đô Hà Nội.
Hệ thống trưng bày thường xuyên tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã thể hiện rõ các nội dung: Nhà tù Hỏa Lò là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, cũng là nơi rèn luyện ý chí kiên trung, bất khuất của những người cách mạng. Và ngày nay, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ người dân Việt Nam, giúp họ nâng cao lòng tự hào dân tộc và sống có trách nhiệm với Tổ quốc.
Hiện nay, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò còn lưu giữ các đơn nguyên kiến trúc gốc và nhiều hiện vật có giá trị như: máy chém dùng để hành quyết tù nhân, cửa cống ngầm nơi tù nhân tham gia vượt ngục cùng nhiều tài liệu quý. Số lượng khách tham quan di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò qua các năm đều không ngừng gia tăng, đặc biệt là trong 3 năm gần đây: Năm 2013 là 209.433 lượt; Năm 2014 là 231.435 lượt và Năm 2015 là 249.192 lượt.
Học sinh Hà Nội đến tham quan và học tập tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, tháng 3/2016
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã và đang trở thành một địa điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du khách trong nước và quốc tế khi muốn tìm hiểu sâu về lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò