Sau 2 ngày diễn ra Liên hoan Nghệ thuật Múa Rối nước không chuyên – Hà Nội năm 2023, căn cứ kết quả đánh giá của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho Phường Rối Bình Phú (huyện Thạch Thất); giải Nhì cho Phường Rối Đào Thục (huyện Đông Anh) và Phường Rối Thạch Xá (huyện Thạch Thất); giải Ba cho Phường Rối Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) và Câu lạc bộ Rối Sài Sơn (huyện Quốc Oai)…
Liên hoan Nghệ thuật Múa Rối nước không chuyên – Hà Nội năm 2023 được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức vào 19h00 các ngày 24-25/5/2023, tại Sân khấu Thủy đình – Trung tâm Văn hóa Thành phố (số 7 Phùng Hưng – Hà Đông).
Một số tiết mục dự thi Liên hoan của Phường Rối Bình Phú (huyện Thạch Thất)
Một số tiết mục dự thi Liên hoan của Phường Rối Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức)
Các đại biểu và khán giả nhiệt tình cổ vũ cho Liên hoan
Liên hoan có sự tham gia của 5 Phường Rối nước gồm: Phường Rối nước Bình Phú, Thạch Xá (huyện Thạch Thất), Phường Rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh), Phường Rối nước Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) và Phường Rối nước Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Theo Quy chế Liên hoan, mỗi Phường Rối nước tham gia một chương trình biểu diễn với các tích trò, tổng thời lượng không quá 20 phút, theo thể loại Múa Rối nước (Rối sào và Rối dây).
Các tiết mục tham dự Liên hoan có nội dung: Tái hiện các sự kiện lịch sử vẻ vang của dân tộc; Phản ánh đời sống của quần chúng nhân dân trong sinh hoạt, lao động sản xuất, cầu mong “mưa thuận, gió hòa”, “mùa màng bội thu”…; Giới thiệu, tái diễn các tích trò dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua nghệ thuật Múa Rối nước dân gian truyền thống. Tiêu biểu như: Các tiết mục Rối dây “Tướng loa”, “Rước kiệu”, “Múa Rồng”, “Tú nữ tranh tài” của Thạch Xá; các tiết mục Rối sào “Hà Nội – 12 ngày đêm”, “Lên võng, xuống ngựa”, “Múa Tứ linh” của Đào Thục; các tiết mục Rối sào “Tễu mở màn”, “Múa Rồng”, “Múa Phượng”, “Múa Tứ linh”, “Rước kiệu”, “Cấy cày” của Sài Sơn; các tiết mục Rối dây “Tướng loa, Tướng trùng, Ngựa biên”; “Mời trầu, tặng hoa”; “Leo cột, cắm cờ, bật cờ”, “Rước kiệu, rời tượng”, “Đấu vật, thi bơi, thi leo thang”, “Nhảy qua vòng lửa”, “Đua ngựa, chém chuối” của Bình Phú; các tiết mục Rối sào “Ông lão giáo đầu”; “Múa Rồng”, “Suối Yến Hương Sơn”, “Đấu vật”, “Chọi trâu”, “Thạch Sanh đánh Trăn tinh” của Tế Tiêu, được nghệ nhân, diễn viên của các Phường Rối không quản thời tiết nắng nóng, mưa rào đã thầm lặng thể hiện đầy nhiệt huyết, đam mê tình yêu với Rối ở Sân khấu Thủy đình – Trung tâm Văn hóa Thành phố đã để lại ấn tượng khó quên đối với người xem.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội – Trưởng Ban Giám khảo nhận xét về chất lượng nghệ thuật Liên hoan
Nhận xét về chất lượng nghệ thuật tại Liên hoan, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội – Trưởng Ban Giám khảo cho rằng: Trong 2 đêm biểu diễn của 5 Phường Rối nước tại Liên hoan, các Phường vẫn chưa khai thác được hết các trò của địa phương mình. Đây là điều mà Trưởng Ban Giám khảo rất băn khoăn khi mục đích của các kỳ Liên hoan là nhằm khôi phục lại những tích trò cổ của các địa phương mang màu sắc bản địa nhiều nhất thì ở Liên hoan lần này mới chỉ le lói một phần nào đấy cái tích trò của địa phương mình. Trưởng Ban Giám khảo rất mong Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quan tâm hơn nữa, Trung tâm Văn hóa Thành phố cũng cần quan tâm hơn nữa và có khoản đầu tư thích đáng để cho các Phường Rối nước khôi phục lại những tích trò cổ. Bởi nghệ thuật Múa Rối nước của Hà Nội có rất nhiều tích trò mà mỗi địa phương đều có tích trò riêng biệt, nhưng khi tham gia Liên hoan, các con rối lại bị cũ nát không còn phục dựng được. Để phục dựng được đòi hỏi phải có một khoản kinh phí cho các Phường Rối phục dựng lại mới bảo tồn được. Việc tổ chức Liên hoan nhằm đánh giá xem các Phường Rối có những gì và mất những gì, cần khôi phục những cái gì. Điều đó trong 2 đêm diễn ra Liên hoan đã thể hiện rất rõ ràng. Có được thành công của Liên hoan, Trưởng Ban Giám khảo cảm ơn Ban Tổ chức đã tạo sân chơi cho các nghệ nhân, diễn viên đến đây cùng chung vui, cùng học hỏi, tìm hiểu hoạt động Múa Rối của từng Phường. Trưởng Ban Giám khảo hy vọng các nghệ nhân, diễn viên có thêm niềm say mê với Rối hơn nữa để mang đến các kỳ Liên hoan sau những tích trò Múa Rối thể hiện rõ nét đặc sắc của địa phương mình, góp phần giới thiệu, lan tỏa, quảng bá bộ môn nghệ thuật Múa Rối nước dân gian truyền thống của Thủ đô.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh – Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan đánh giá công tác tổ chức Liên hoan
Đánh giá về công tác tổ chức Liên hoan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh – Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan chia sẻ: Đây là lần tổ chức Liên hoan được chờ đợi nhiều năm, bởi lẽ trong kế hoạch thường niên của Trung tâm Văn hóa Thành phố thực hiện sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là 3 năm tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Múa Rối nước không chuyên một lần. Đã có cuộc Liên hoan tổ chức tại Sân khấu Thủy đình Đào Thục (huyện Đông Anh); cuộc Liên hoan tại Sân khấu Thủy đình Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ban Tổ chức cũng chuẩn bị cho Liên hoan tổ chức tại Sân khấu Thủy đình Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào thời điểm năm 2020, 2021 nên Liên hoan chưa tổ chức được ở địa điểm đó. Năm 2023, Trung tâm Văn hóa Thành phố phối hợp cùng với các đơn vị quận, huyện tổ chức Liên hoan tại Sân khấu Thủy đình – Trung tâm Văn hóa Thành phố. Một sân khấu xây dựng hơn 20 năm trước nhưng chưa được đưa vào sử dụng. Ban Tổ chức đã cố gắng nỗ lực để cùng với tâm huyết của tất cả những người quản lý văn hóa, quản lý phong trào của chính quyền địa phương cơ sở và đặc biệt là các nghệ nhân, diễn viên các Phường Rối trên địa bàn Thủ đô hội tụ về đây tổ chức giao lưu, học hỏi, cùng cống hiến, nhìn nhận lại xem chúng ta đang có những gì, chúng ta cần phải làm những gì để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Múa Rối nước tuyền thống quý báu của cha ông đang trao truyền, lưu giữ tại các Phường Rối. Nhìn nhận lại cục diện của 5 Phường Rối cổ truyền gồm: 3 Phường Rối nước Bình Phú, Chàng Sơn, Thạch Xá (huyện Thạch Thất); Phường Rối Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức); Phường Rối Đào Thục (huyện Đông Anh) và có thêm một Câu lạc bộ Rối còn non trẻ nhưng với tâm huyết, niềm tự hào của một vùng quê có tổ nghề là Thiền sư Từ Đạo Hạnh nên chính quyền địa phương, các đồng chí cán bộ cùng những người dân của Sài Sơn đã thành lập một Câu lạc bộ Rối nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Rối. Rất tiếc là Liên hoan năm nay thiếu vắng một Phường Rối đã có bề dày hoạt động với nhiều thành tích, đó là Phường Rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) do điều kiện con rối quá xuống cấp. Đây cũng phản ánh những gì chúng ta đang đặt ra mục tiêu, ý nghĩa, mục đích của cuộc Liên hoan này để nhìn nhận lại, đánh giá lại những cái cần thiết cho công tác bảo tồn để nghệ thuật Múa Rối nước không chuyên không bị mai một, và Liên hoan đã làm được điều đó. Thay mặt Ban Tổ chức Liên hoan, Phó Trưởng Ban Tổ chức cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu, sự quan tâm của các chuyên gia, cảm ơn Ban Giám khảo đã đồng hành với Ban Tổ chức trong Liên hoan. Sau cuộc Liên hoan này, những người làm công tác văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên sẽ về cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ triển khai Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” mà cụ thể hóa là Kế hoạch số 176, Kế hoạch số 250 về “Bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ca kịch truyền thống của Thủ đô”. Phó Trưởng Ban Tổ chức cũng cảm ơn sự quan tâm, cổ vũ nhiệt tình của các nghệ nhân, diễn viên, các quý vị đại biểu và đông đảo khán giả. Trong 2 ngày diễn ra Liên hoan mặc dù thời tiết mưa gió nhưng rất nhiều khán giả vẫn thể hiện tình yêu của mình với loại hình Múa Rối nước truyền thống, cũng như sự trân trọng những đóng góp của các nghệ nhân, diễn viên mang đến cho Liên hoan. Điều khiến Phó Trưởng Ban Tổ chức thêm vui khi Liên hoan thu hút sự cổ vũ của rất nhiều em nhỏ, thế hệ chưa được biết nhiều về nghệ thuật Múa Rối nước truyền thống của cha ông. Liên hoan là chính là diễn đàn để mang các bạn đến với loại hình nghệ thuật quý báu này.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Lý Thị Thúy Hạnh – Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan trao giải Nhất cho Phường Rối Bình Phú (huyện Thạch Thất)
Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng trao giải Nhì cho Phường Rối Đào Thục (huyện Đông Anh) và Phường Rối Thạch Xá (huyện Thạch Thất)
Phường Rối Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) và Câu lạc bộ Rối Sài Sơn (huyện Quốc Oai) nhận giải Ba
Sau 2 ngày diễn ra Liên hoan Nghệ thuật Múa Rối nước không chuyên – Hà Nội năm 2023, căn cứ kết quả đánh giá của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho Phường Rối Bình Phú (huyện Thạch Thất); giải Nhì cho Phường Rối Đào Thục (huyện Đông Anh) và Phường Rối Thạch Xá (huyện Thạch Thất); giải Ba cho Phường Rối Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) và Câu lạc bộ Rối Sài Sơn (huyện Quốc Oai); 8 giải Chuyên đề gồm: Giải Dàn nhạc – Phường Rối Tế Tiêu; giải Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng và diễn viên Lê Văn Lung trong vai Ông lão giáo đầu; giải Sáng tạo chuyển từ Rối cạn sang Rối nước – Phường Rối Tế Tiêu; giải Giữ gìn vốn cổ – Phường Rối Thạch Xá; giải Sáng tạo mới tiết mục máy bay – Phường Rối Đào Thục; giải Diễn viên điều khiển con Rồng vàng – Câu lạc bộ Rối Sài Sơn; giải Diễn viên điều khiển con Rối leo cột, cắm cờ – Phường Rối Bình Phú; giải Phong cách cho tập thể Phường Rối Đào Thục.
Mai Phương