Gia đình

Anh nông dân hết lòng vì di sản văn hóa truyền thống

Khi làm ông Hiệu, trong 1 gian dài người đó phải thực hiện kiêng khem trong ăn uống, sinh hoạt để thân thể, tinh thần được thanh tịnh, tuyệt đối không ăn hành, tỏi, đồ tanh, uống rượu, bia. Ông Hiệu ngoài ăn kiêng còn tập hợp mọi người luyện tập theo khóa hiệu của mình trong nhiều ngày liên tục.

Về xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, hỏi về anh Đặng Trần Trượng, ai cũng biết và quý mến. Không chỉ vì anh Trượng là nông dân sản xuất giỏi, là gia đình văn hóa tiêu biểu ở xóm 4, thôn Phù Đổng 1, mà anh còn là một người nhiệt tình, năng nổ và hết lòng chăm lo, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của quê hương.

Anh Đặng Trần Trượng và ngôi nhà khang trang

Trong xây dựng gia đình Văn hóa, vợ chồng ạnh Trượng luôn thương yêu nhau, cùng có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các con; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của địa phương; tích cực tham gia các phong trào thi đua; góp phần vào thành tích chung của xã Phù Đổng trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Là gia đình văn hóa, vợ chồng anh Trượng luôn ý thức được rằng, nền tảng để xây dựng được một gia đình hạnh phúc bền vững, trước tiên phải có kinh tế ổn định. Vì vậy, 2 vợ chồng đã cần cù, chịu khó làm ăn. Ngoài làm ruộng, gia đình anh Trượng còn chăn nuôi bò, gia cầm để tăng thêm thu nhập. Mỗi tháng thu nhập từ chăn nuôi cũng được 20 triệu đồng. Ngoài ra, như nhiều gia đình khác ở Phù Đổng, gia đình anh còn trồng và làm cây cảnh bán, thu nhập cũng ổn định.

Xã Phù Đổng và Di sản Quốc gia đặc biệt đền Gióng – Huyện Gia Lâm


Bố con anh Trượng (ở giữa) 6 năm liền thay nhau làm ông Hiệu trong lễ hội Gióng

Không chỉ vậy, là người con Phù Đổng, mang niềm tự hào là con dân vị Thánh bất tử của dân tộc, anh Trượng luôn tâm niệm phải hết sức giữ gìn và phát huy vốn quý của quê hương. Từ thời Vua Lý Công Uẩn, đền thờ Phù Đổng Thiên Vương đã được xây dựng ở đây. Thời Lê, lễ hội Gióng đã nổi tiếng và được triều đình cử quan đại thần về chủ tế đức Thánh Gióng. Hàng ngàn năm qua, cứ đến ngày mùng 7 – 9 tháng Tư âm lịch, lễ hội Gióng Phù Đổng được tổ chức tưng bừng. Dân Phù Đổng phải chuẩn bị cho lễ hội Gióng cả tháng trước đó, để khi diễn ra lễ hội, các nghi thức: Lễ dâng hương; Rước khám đường; Lễ rước cỗ; Rước nước; Rước Đống Đàm; Hội trận truyền thống tại Soi Bia được tổ chức thành công, không xảy ra sai sót. Từ khi UNESCO công nhận lễ hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì niềm tự hào và trách nhiệm trên vai những người dân Phù Đổng và gia đình anh Trượng càng cao hơn. Theo truyền thống lâu đời ở Phù Đổng, những gia đình có vinh dự được chọn làm người đóng vai ông Hiệu, cô Tướng phải có uy tín, khả năng kinh tế ở địa phương. Gia đình anh Trượng có của ăn của để, lại có uy tín ở địa phương nên lần nào đăng ký cũng được dân làng bầu chọn. Nhiều năm liên tục, 4 bố con anh Trượng đã tham gia các hoạt động lễ hội Gióng, trong đó có 6 năm liên tục làm ông Hiệu, gồm 2 khóa làm Hiệu Trống, 1 khóa Hiệu Chiêng, 2 khóa Hiệu Trung quân và 1 khóa Hiệu Cờ. Được dân tin và bầu chọn làm ông Hiệu là vinh dự, vì từ đây họ sẽ trở thành người nhà Đền – tướng lĩnh của Thánh Gióng. Vinh dự hơn, ông Hiệu sẽ lên đền Gióng và được rước quan nhà Giám về nhà để thờ. Người được làm ông Hiệu cả đời sẽ được gắn tên Hiệu với tên của họ và người đã làm ông Hiệu thì cả đời luôn phải giữ gìn, để xứng danh với chữ Hiệu.

Nhưng, khi làm ông Hiệu, trong 1 gian dài người đó phải thực hiện kiêng khem trong ăn uống, sinh hoạt để thân thể, tinh thần được thanh tịnh, tuyệt đối không ăn hành, tỏi, đồ tanh, uống rượu, bia. Ông Hiệu ngoài ăn kiêng còn nuôi quân, tập hợp mọi người luyện tập theo khóa hiệu của mình trong gần 1 tháng liên tục. Hàng ngày, ông Hiệu và mọi người sẽ cùng nhau tập lễ, lễ, học đánh trống hoặc chiêng, hoặc múa cờ, tập trận. Trong số các ông Hiệu thì ông Hiệu Cờ là khó nhất, vất vả nhất và cũng là độc đáo nhất trong lễ hội Gióng. Hàng ngày ông Hiệu và quân binh (khoảng 30-60 người) sẽ ra ngoài bãi tập luyện chiến đấu. Trong ngày hội, bên cạnh hình ảnh rước ngựa trắng và 28 thiếu nữ đóng tướng giặc, hình ảnh ông Hiệu Cờ múa cờ, dàn quân đánh trận chính là hình ảnh oai phong của Đức Thánh Gióng trước kẻ thù. Được vào vai ông Hiệu Cờ, dù vất vả nhưng vinh dự và tự hào vô cùng – giọng anh Trượng vẫn đầy xúc động và hãnh diện khi kể về vai ông Hiệu mà anh đã được tham gia…

Năm 2023 này, nhân kỷ niệm 22 năm Ngày gia đình Việt Nam 28/6, gia đình anh  Đặng Trần Trượng được nhận Giấy khen đạt danh hiệu gia đình Văn hóa 3 năm liên tục. Vinh dự hơn, anh Trượng được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen Người tốt việc tốt. Đây là niềm vui, động lực giúp gia đình anh tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ và tích cực đóng góp hơn nữa vào việc giữ gìn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Lễ hội Gióng của xã Phù Đổng.

Thanh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *