Ngày 26/10/2024, UBND huyện Ba Vì đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý Nhà nước về di tích và lễ hội trên địa bàn huyện năm 2024 cho công chức Văn hóa – Xã hội, Trưởng các thôn của 31 xã, thị trấn và đại diện Ban Quản lý các di tích đã xếp hạng trên địa bàn huyện.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh: Huyện Ba Vì có tổng số 450 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, với số lượng di tích lớn, chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện sức sáng tạo, đời sống tinh thần, tâm linh của thế hệ trước lưu truyền cho thế hệ sau. Vì vậy, công việc của người làm quản lý, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, lễ hội không chỉ nhằm giữ gìn sản phẩm vật chất mà còn góp phần làm cho di sản văn hóa phi vật thể phát huy giá trị trong việc giáo dục, nuôi dưỡng, lưu truyền truyền thống cách mạng và các bản sắc văn hóa cho thế hệ sau. Với mong muốn đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực này, đặc biệt các đồng chí trong Ban quản lý di tích cấp xã và Tiểu ban quản lý di tích các thôn nắm bắt được những nội dung cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về di tích và lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đề nghị đại biểu tham gia buổi tập huấn nghiêm túc, tập trung, lắng nghe đầy đủ những nội dung mà đồng chí giảng viên truyền đạt; tích cực trao đổi, thảo luận, tương tác đa chiều về những vấn đề mới, khó khăn, phức tạp, liên quan trực tiếp đến công tác quản lý di tích và lễ hội ở địa phương. Bên cạnh đó, chủ động đọc, tìm hiểu các tài liệu liên quan đến công tác quản lý di tích và lễ hội, trên cơ sở đó triển khai các nội dung này đảm bảo đúng quy định hiện hành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Quốc Hiệp – Phó Trưởng Phòng Thanh tra Văn hóa và Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý di tích và tu bổ di tích: Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009; Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 19/01/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Tham dự tập huấn, các đại biểu đã phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý di tích, lễ hội truyền thống ở địa phương.
Thông qua Hội nghị tập huấn các đại biểu được trang bị những kiến thức cơ bản của Nhà nước, của thành phố và huyện về công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội đối với di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đặc biệt, giúp đồng chí công chức Văn hóa – Xã hội các xã, thị trấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích; xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND cấp xã đối với công tác quản lý di tích trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
BV