Di sản

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày “Cung trầm Tháng 7”

Sáng 20/7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày “Cung trầm Tháng 7” hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022).

Trưng bày “Cung trầm Tháng 7” là câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ yêu nước, cách mạng khi bị địch bắt, giam trong ngục Hỏa Lò. Trưng bày được tổ chức góp phần thắp lên ngọn lửa tri ân các anh hùng, liệt sĩ và các cựu tù chính trị năm xưa.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Đài tưởng niệm.

Trưng bày gồm ba nội dung chính: Khát vọng non sông, Dưới ngọn cờ hồng và Mãi mãi khắc ghi. Ở nội dung Khát vọng non sông: Khắc họa những câu chuyện về gương hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ yêu nước khi bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò đầu thế kỷ 20. Trước những trận đòn tra tấn thấu xương, hay cả khi cái chết cận kề, người chiến sĩ vẫn không hề run sợ. Khi bị kẻ địch bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò bởi vụ đầu độc binh lính Pháp tại Hà Nội ngày 27/6/1908, sau khi hành quyết, những người đứng đầu như các ông Nguyễn Trị Bình, Đặng Đình Nhân, Nguyễn Văn Cốc còn bị thực dân Pháp bêu đầu ở các cửa ô. Riêng bà Nhiêu Sáu (Nguyễn Thị Ba) khi bị bắt còn bị nhét vào thùng gỗ có cắm đinh và lăn từ phố Cửa Nam về Nhà tù Hỏa Lò. Do chế độ giam cầm hà khắc, bà hy sinh trong tù.

Các đại biểu tham quan Trưng bày “Cung trầm Tháng 7”.

Năm 1912, nhà yêu nước Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang phục Hội, chủ trương dùng vũ trang bạo động để đánh đổ cường quyền, giải phóng đất nước. Hội đã tiến hành một số vụ ám sát, bạo động nhằm gây tiếng vang, thức tỉnh đồng bào. Thực dân Pháp đàn áp, hơn 80 hội viên bị kết án tù giam, đi đày, khổ sai chung thân đến tử hình. Ngày 24/9/1913, 7 chí sĩ Việt Nam Quang phục Hội bị thực dân Pháp xử chém ngay trước cổng Nhà tù Hỏa Lò để thị uy dân chúng. Đó là các chí sĩ: Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng, Vũ Ngọc Thúy, Phạm Đệ Quý…Đến năm 1930, Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Bị thực dân Pháp phản công và dập tắt, những chiến sĩ của Đảng lần lượt bị bắt giam, tra tấn tại ngục thất Yên Bái. Sau khi xét xử, họ bị đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò, chờ ngày thi hành án. Ngày 16/6/1930, 13 yếu nhân của Đảng bị áp giải lên ngục thất Yên Bái để hành quyết, trong đó có các ông Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính. Trước giờ thi hành án, những người chiến sĩ vẫn hiên ngang đến giây phút cuối cùng. Dù không thành công nhưng tấm lòng sắt son, sự hy sinh vì nước của các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng mãi được lưu truyền sử xanh.

Hoạt hoạt cảnh về cuộc đấu tranh đòi tăng lượng nước sinh hoạt của các tù chính trị cạnh nhà tắm tập thể được phục dựng.

Nội dung Dưới ngọn cờ hồng: Khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Để có được những thành quả vĩ đại đó, Đảng và Nhân dân ta đã phải đổ biết bao xương máu, gánh chịu biết bao mất mát, hy sinh. Hàng nghìn chiến sĩ bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và bất khuất hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có những người con ưu tú như: Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ là người trực tiếp chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ – Tĩnh; đồng chí bị địch chuyển giam tại Nhà tù Hỏa Lò rồi áp giải vào Vinh và bí mật xử bắn (ngày 25/5/1931). Đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn, một trong những đảng viên trẻ tuổi và đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động táo bạo, dũng cảm khi trừng trị những tên tay sai, bảo vệ xe chở vũ khí…khiến kẻ thù điên cuồng lung sục; đồng chí bị bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò (năm 1931) và xử chém ngay trước cổng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư chính thức đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hà Nội bị địch bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và kết án 20 năm tù khổ sai, đồng chí hy sinh khi 24 tuổi.

Hoạt cảnh về những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong xà lim tử hình của Nhà tù Hỏa Lò.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, năm 1929, tham gia sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước, Đông Dương Cộng sản Đảng, tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Năm 1930, đồng chí đảm nhiệm các trọng trách: Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ; tháng 4/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, tra tấn sau đó chuyển giam tại Nhà tù Hỏa Lò; ngày 31/7/1932, đồng chí hiên ngang lên máy chém tại Hải Phòng. Trước khi bị hành quyết, đồng chí còn gửi gắm nỗi lòng của mình qua những lời thơ da diết trong bài thơ “Tạ từ” để vĩnh biệt người mẹ kính yêu sau bao năm xa cách. Nhiều tấm gương khác như đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Quang Thái, Hoàng Ngân, Trần Bình…cũng luôn nêu tấm gương trọn đời hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Nội dung Mãi mãi khắc ghi: Thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội trong việc quan tâm, chăm lo cho các các gia đình thương binh, liệt sĩ và các cựu tù chính trị. Đó là trách nhiệm, tình cảm và nét đẹp nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Gặp gỡ nhân chứng lịch sử Hoàng Quân Tạo – cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò.

Từ năm 2017, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp với Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò và các nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, tặng quà tri ân các cựu tù chính trị bị đau ốm, có hoàn cảnh khó khăn. Việc tri ân công lao của các thế hệ đi trước là điều thế hệ hôm nay luôn ghi lòng, tạc dạ, nguyện sống, lao động và học tập để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước.

Trưng bày “Cung trầm Tháng 7” ra mắt ngày 20/7/2022 và kéo dài đến hết ngày 31/10/2022 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Ngọc Trâm

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *